Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: Minh bạch, chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin tới báo chí

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội, thời gian qua, quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước Thành phố Hà Nội đã được triển khai hiệu quả, đi vào nề nếp, góp phần thực hiện minh bạch hóa thông tin của các cơ quan và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Tạo “thế trận” mạnh mẽ, phát huy chức năng, nhiệm vụ của báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đóng vai trò thiết yếu trong quản lý, định hướng và phát triển hoạt động báo chí tại Thủ đô. Với vị trí trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của cả nước, công tác quản lý báo chí tại Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến toàn quốc. Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu, xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền quan trọng, đảm bảo minh bạch thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ và tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở cho biết, hằng năm, đơn vị đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đồng thời, xây dựng và trình UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản triển khai công tác tuyên truyền trên địa bàn Thành phố như: Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố Hà Nội; Đề án “Tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng giai đoạn 2022-2025”; Kế hoạch đưa thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố Hà Nội lên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng xã hội giai đoạn 2019 - 2020…

 Ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội sơ kết công tác hoạt động.

Ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội sơ kết công tác hoạt động.

Gần đây nhất, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách; Sở TT&TT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản số 1460/UBND-KGVX ngày 18/5/2023 chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn Thành phố tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để đảm bảo tính thống nhất trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí của Thành phố theo đúng Luật Báo chí, Sở TT&TT luôn tham mưu UBND Thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy: tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí, giao ban quản lý nhà nước về báo chí của Thành phố, các nội dung xin ý kiến chỉ đạo về các chương trình, đề án liên quan đến hoạt động báo chí của Thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các cơ quan báo chí của Thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ; ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố.

Theo đó, đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời thực hiện cơ chế phối hợp tuyên truyền giữa UBND Thành phố với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có độ lan tỏa và thu hút sự quan tâm lớn đối với công chúng báo chí, có vai trò định hướng dư luận xã hội cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, báo chí đã kịp thời phản ánh các vấn đề, sự kiện diễn ra trên địa bàn Thành phố, thông tin về chủ trương, chính sách của Hà Nội có nhiều tác động đến đời sống xã hội, các vấn đề dân sinh, môi trường đô thị, giao thông, cải cách hành chính...; ghi nhận ý kiến của Nhân dân và các chuyên gia đối với các chính sách của Thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện qua đó giúp cho các cơ quan, ban, ngành của Thành phố kịp thời nắm bắt, phát huy những mặt mạnh và điều chỉnh những bất cập, đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội và là động lực đẩy mạnh sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước.

Hiệu quả, đi vào nề nếp, minh bạch hóa thông tin

Thời gian qua đã có những phản ánh từ các cơ quan báo chí về việc một số Sở TT&TT địa phương thay vì hướng dẫn các cơ quan đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, lại có dấu hiệu “làm khó” nhà báo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, quan điểm rõ ràng của TP là luôn hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên, cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định của pháp luật.

 Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Nói về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, việc này được triển khai hiệu quả, đi vào nề nếp, góp phần thực hiện minh bạch hóa thông tin của các cơ quan và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước.

“Các cơ quan, đơn vị đã phân công người phát ngôn và cung cấp thông tin theo quy định, chủ động hơn trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí qua nhiều hình thức như: họp báo, phỏng vấn, email, văn bản... Sở TT&TT thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các cơ quan của Thành phố thực hiện tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin báo chí.

Phối hợp Văn phòng UBND Thành phố tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề dư luận quan tâm, kết nối trực tuyến tới 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã để lãnh đạo các địa phương có thể trả lời ngay những câu hỏi, vấn đề nóng trên địa bàn mà phóng viên báo chí quan tâm” - bà Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thời gian qua, Sở đã thiết lập và duy trì các nhóm phóng viên tuyên truyền trên mạng xã hội zalo; hằng năm thực hiện cung cấp hơn 400 nội dung thông tin cho báo chí dưới nhiều hình thức (Cổng Thông tin điện tử Sở, email công vụ, họp báo, mạng xã hội: Zalo, Facebook...).

Đặc biệt, đối với những vấn đề, chính sách được dư luận và báo chí quan tâm, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời phối hợp với các đơn vị chủ trì tham mưu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo tính công khai, minh bạch; phát hiện và xử lý thông tin sai sự thật, giúp báo chí phản ánh, thông tin trung thực, đầy đủ, kịp thời và tạo đồng thuận của người dân.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở gồm hơn 579 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và 19 trung tâm văn hóa thể thao có hoạt động truyền thanh cấp huyện thực hiện công tác tuyên truyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở TT&TT Hà Nội là Sở TT&TT đầu tiên trong cả nước đã huy động được sự tham gia các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô. Thông tin lan tỏa có trọng tâm, trọng điểm, thu hút được bạn đọc, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin điện tử được nâng cao.

Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị của Thành phố cũng đã thiết lập các tài khoản/fanpage trên mạng xã hội Facebook, Zalo… để phổ biến thông tin, tuyên truyền về hoạt động của cơ quan, đơn vị, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, thông tin tích cực trên không gian mạng.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để chủ động nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Sở TT&TT thường xuyên tổ chức Hội nghị hoặc các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác truyền thông, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông.

Trong năm 2023, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn Thành phố (UBND các quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm, Hoài Đức, Sơn Tây...) tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí với hơn 700 học viên là cán bộ các phường, xã tham dự.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-thong-tin-va-truyen-thong-ha-noi-minh-bach-chu-dong-phat-ngon-va-cung-cap-thong-tin-toi-bao-chi-post299723.html