Sở Thông tin và Truyền thông: Nỗ lực đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến

Sở Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực nâng cấp hệ thống thông tin, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang nỗ lực nâng cấp hệ thống thông tin, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin

Ông Bùi Vũ Vĩnh - Trưởng phòng CNTT, Sở TT-TT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến của các cơ quan nhà nước, sở đã duy trì chế độ trực vận hành Trung tâm Dữ liệu tỉnh (TTDL) và tăng cường nhân sự để bảo đảm xử lý, hỗ trợ kịp thời, giải quyết mọi sự cố cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà. Sở cũng mở rộng băng thông truy cập TTDL nhằm đáp ứng việc thay đổi hướng truy cập từ nội bộ cơ quan nhà nước về TTDL sang truy cập từ nhà cán bộ, công chức, viên chức đến TTDL qua mạng Internet. Bên cạnh đó, sở chú trọng đảm bảo hạ tầng, đường truyền, tài liệu hướng dẫn và nhân sự phục vụ triển khai phương án ứng dụng CNTT trong tổ chức họp trực tuyến.

 Sở Thông tin và Truyền thông duy trì trực vận hành Trung tâm Dữ liệu tỉnh 24/7.

Sở Thông tin và Truyền thông duy trì trực vận hành Trung tâm Dữ liệu tỉnh 24/7.

Được biết, năm 2019, Sở TT-TT đã nâng cấp mạng diện rộng (WAN) của tỉnh phục vụ việc kết nối hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương về TTDL; chuyển đổi hệ thống đường truyền Internet tại TTDL để tăng cường băng thông truy cập đáp ứng yêu cầu vận hành, khai thác, sử dụng. Sở cũng tuyển dụng thêm 4 nhân sự, bố trí nhân lực kỹ thuật triển khai chế độ trực vận hành TTDL 24/7. Hiện nay, đội ngũ quản lý của TTDL đã có 8 người. Để đảm bảo vận hành an toàn cho TTDL, sở xây dựng và áp dụng các quy chế, quy định vận hành bảo đảm an toàn thông tin theo các quy định, quy chuẩn chuyên ngành. Sở TT-TT cũng đang xây dựng hồ sơ đề xuất UBND tỉnh phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho TTDL. Trong năm nay, sở có kế hoạch triển khai trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) theo hình thức thuê dịch vụ CNTT, trang bị hệ thống giám sát phòng ngừa cảnh báo mã độc tại TTDL...

Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các hệ thống thông tin

Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Chánh Văn phòng Sở TT-TT, cùng với thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trong cơ quan, các hoạt động trên nhằm thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao theo chức năng quản lý chuyên ngành, như: triển khai ứng dụng CNTT cho các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chương trình, kế hoạch CCHC của tỉnh. Năm 2019, sở đã hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các phần mềm dùng chung của tỉnh phục vụ hoạt động tác nghiệp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng; đề xuất tham mưu UBND tỉnh về áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan...

Đặc biệt, trong triển khai Đề án Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, sở đã rà soát, kích hoạt thanh toán trực tuyến cho 140 thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 và 260 thủ tục cho phép thanh toán trực tuyến thông qua trung tâm; hoàn thành tham mưu triển khai chứng thư số cho hệ thống các phần mềm thuộc trung tâm; đề xuất phương án thuê hạ tầng CNTT trong nước phục vụ trung tâm; hoàn thành cấu hình chức năng tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; kết nối với bưu điện Trung ương, tích hợp dịch vụ SMS để thông báo kết quả dịch vụ... Sở cũng duy trì cung cấp đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Năm qua, hệ thống đã hỗ trợ 3.363 lượt khách hàng qua trao đổi trực tuyến và đường dây nóng. Đồng thời, sở phối hợp tổ chức 24 lớp tập huấn tăng cường quản trị và sử dụng phần mềm Một cửa điện tử (mới); 9 hội nghị giới thiệu Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh...
Nỗ lực đáp ứng
Nhờ đó, năm 2019, việc thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh đạt 100% mục tiêu; nhiều ứng dụng cơ bản mang lại hiệu quả cao như: Cổng, trang thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến, E-Office, một cửa điện tử, phần mềm quản lý chuyên ngành, lĩnh vực... 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Văn phòng UBND và HĐND 2 cấp đã có mạng tin học nội bộ (LAN) quy mô 1 - 2 máy chủ/mạng. Toàn bộ 198 cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai phần mềm E-Office. Tỷ lệ văn bản đi, đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 78%. Hàng chục ngàn lượt tin nhắn thông báo kết quả giải quyết được gửi miễn phí đến điện thoại khách hàng. 143 cơ quan có trang thông tin điện tử...

Ông Bùi Vũ Vĩnh cho biết, nhằm tiếp tục nâng cấp, mở rộng và phát triển mới các hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, trong năm nay, sở sẽ đưa vào vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, hệ thống hạ tầng Dự án ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh.

NGUYỄN VŨ

Năm 2019, Sở TT-TT tiếp nhận 183 hồ sơ, đã giải quyết 179 hồ sơ, trong đó có 51 hồ sơ trực tuyến, không có hồ sơ trễ hạn; đạt chỉ số CCHC 93,43%, là 1 trong 2 sở dẫn đầu về công tác CCHC khối sở, tiếp tục duy trì hạng tốt. Sở cũng là một trong những đơn vị đạt điểm tối đa ở nhiều tiêu chí thành phần như: thực hiện các nhiệm vụ, công việc được UBND tỉnh giao trong năm; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008...

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/chung-tay-cai-cach-hanh-chinh/202004/so-thong-tin-va-truyen-thong-no-luc-dap-ung-nhu-cau-lam-viec-truc-tuyen-8158215/