Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình ở đâu khi hàng trăm ngàn người dân Hà Nội phải dùng nước bẩn?
Theo luật sư, mặc dù hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể không nói Sở TN&MT không có trách nhiệm. Sở TN&MT đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố nước bị bẩn trên địa bàn.
Liên quan đến vụ nước sinh hoạt tại nhiều điểm dân cư Hà Nội có mùi hôi, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) khẳng định: "Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố chất thải bẩn bị đổ trên địa bàn".
Luật sư Diệp Năng Bình lý giải: "Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản - địa chất, môi trường…; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở".
"Ngoài ra, Sở TN&MT có trách nhiệm tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, mặc dù hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể không nói Sở TN&MT không có trách nhiệm", luật sư cho hay.
Nói về trách nhiệm của Công ty Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà trong vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, khi phát hiện ra sự việc thì việc cần thiết là ngưng cấp nước để cho dòng chảy trở về với hiện trạng ban đầu bởi vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta.
"Nói một cách thẳng thắn, ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người thế nhưng tôi không hiểu vì sao mà Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà vẫn tiến hành sản xuất và cấp nước về Thủ Đô. Theo tôi đó là một sự vô cảm, là thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân", luật sư Diệp Năng Bình thẳng thắn.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên, do người dân không ký trực tiếp với Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện trực tiếp đơn vị đó.
Xử lý hình sự hành vi xả thải ra môi trường
Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức;
Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.