Sở trà Biển Hồ-vài dấu tích xuyên thế kỷ

Một hôm, trong lúc hàn huyên với nhạc sĩ Nguyễn Hậu, người năm nay đã vào tuổi U80, từng trải qua thời niên thiếu tại thôn Trại Mộ của Sở trà Biển Hồ (nay là thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), tôi hỏi một câu… chẳng liên quan gì đến sở trường âm nhạc của ông: 'Ngày xưa, trong Sở trà Biển Hồ, họ dùng điện hay lò hơi đun củi gì để vận hành các máy móc chế biến trà khô?'. Và tôi nhận được lời hứa: ông Hậu sẽ làm hướng dẫn viên đưa tôi đi thăm lại sở trà đầu tiên được thực dân đồn điền Pháp thành lập trên đất Pleiku.

Vào thập niên 1960, Pleiku đúng như Vũ Hữu Định mô tả trong bài thơ “Còn chút gì để nhớ” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Phố núi cao, phố núi đầy sương/… Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Nhạc sĩ Nguyễn Hậu, khi đó chơi guitar trong ban nhạc tại phòng trà (hồi đó thường gọi là Club, câu lạc bộ) nên đã tình cờ được dự buổi nhạc sĩ Phạm Duy trình bày ca khúc này lần đầu tiên ngay sau khi vừa hoàn thành bản thảo bài nhạc.

Nay, vì nhiều lý do, trong đó có hiện tượng nóng lên toàn cầu, thời tiết có những diễn biến cực đoan đã làm cho Pleiku ít dần những buổi sáng có sương mù che phủ và cũng ít dần cái cảnh như xưa: cứ khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều trời se lạnh phải khoác thêm áo ấm hoặc áo len. Cũng vì thế mà trong mùa mưa năm nay vẫn có những đợt nắng nóng kéo dài gần cả tuần lễ!

Nhà máy chế biến trà trong tư liệu viết về đồn điền chè Biển Hồ.

Nhà máy chế biến trà trong tư liệu viết về đồn điền chè Biển Hồ.

Vào một buổi sáng nắng ráo cuối tháng 7, ông Hậu cùng tôi đi thăm lại Sở trà Biển Hồ (“Biển Hồ trà”, như người dân Pleiku trước 1975 vẫn gọi). Những lần đi vào khu vực này hồi chưa nghỉ hưu, tôi chỉ quan tâm và chụp hình mấy chỗ trên đường đi qua: chùa Bửu Minh, 2 hàng thông già, những gốc trà lâu năm, đập nước bên hồ B của Biển Hồ và nhà máy thủy điện nhỏ của Sư đoàn 320 phía dưới đập. Nhưng lần này, chúng tôi chú ý đến những thứ hoàn toàn khác.

Qua khỏi đập nước của Biển Hồ B để vào thôn Cỏ May xưa (nay là thôn 2, xã Nghĩa Hưng), ông Hậu chỉ một cây cọ và cho biết tuổi của nó không kém tuổi của 2 hàng thông già. Theo ông, nó cũng được người Pháp trồng nhưng ít ai để ý vì nhìn thoáng qua trông có vẻ giống một cây dừa bình thường, không có gì đặc biệt. Khi chúng tôi giải khát tại quán cà phê ngay đầu 2 hàng thông rợp mát thì được ông Thu-người nhà của chủ quán-tiếp chuyện. Ông Thu trạc tuổi ông Hậu và cũng là người sống từ nhỏ tại thôn Cỏ May. Qua câu chuyện của ông Thu, chúng tôi được biết: Ngày trước, các ông chủ người Pháp cũng có làm một nhà máy thủy điện, nhưng công suất điện phát ra quá nhỏ nên không đủ để dùng cho nhà máy chế biến chè. Vì thế, họ dùng củi đốt lò hơi để vận hành nhà máy chế biến là chính.

Chúng tôi cùng ra vị trí của nhà máy chế biến trà Biển Hồ cũ, ngay sát hội trường thôn 2, xã Nghĩa Hưng. Đó là một cái nhà cũ mà người dân nơi đây vẫn gọi là “nhà ông chủ Đờ”. Thật ra, tên đầy đủ của ông chủ Tây này khá dài: Henri Gustave Charles de Guenyveau, tên thường gọi là “de Guenyveau”. Có lẽ, đây là ngôi nhà thuộc vào loại lâu năm nhất còn sót lại của cả 2 thôn Trại Mộ và Cỏ May xưa. Tuy mái đã được lợp tôn thay cho mái ngói xưa đã hỏng, nhưng đặc điểm khác hẳn so với những nhà xưa của người Việt tại khu vực này (mà nay cũng đã được thay thế bằng nhà mới xây) là cái ống khói của lò sưởi đốt củi vẫn còn đó. Trước kia, khi mới đến vùng đất Pleiku hoang sơ vào những năm đầu thập niên 1920, người Pháp lúc xây nhà đều có chừa chỗ nơi phòng khách để làm 1 lò sưởi đốt củi mà họ gọi là “chauffage central” (lò sưởi trung tâm) dùng để giữ ấm cho ngôi nhà. Ngôi nhà này hơn chục năm trước là của bà Hạnh, lúc đó khoảng 80 tuổi, nguyên là con nuôi của ông chủ Đờ mà Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân đã từng nhắc đến khi viết về 2 thôn Trại Mộ và Cỏ May.

Nền xi măng và những trụ chân đế dựng vì kèo nhà máy chế biến trà hiện còn sót lại. Ảnh: Kiên Hoàng

Nền xi măng và những trụ chân đế dựng vì kèo nhà máy chế biến trà hiện còn sót lại. Ảnh: Kiên Hoàng

Trước đây, tôi đã vào nhà máy chế biến vài lần khi máy phát điện diesel của nhà máy bị trục trặc; nhưng nay, sau hơn 20 năm, nếu không có 2 ông “thổ công” dẫn lối chắc tôi cũng không dễ gì tìm ra vị trí của nó. Bởi giờ nhà máy chế biến chỉ còn lại một khoảnh sân xi măng với những khối bê tông ngày trước làm chân đế dựng các vì kèo.

Trên đường từ thôn 2 qua thôn 1, nhạc sĩ Nguyễn Hậu giải đáp thêm cho tôi một thắc mắc khác: “Khi đăng ký mục đích thành lập đồn điền trà Biển Hồ S.T.I. (Socíeté des Thés de l’Indochine, Công ty Trà Đông Dương, thường gọi là Sở trà Biển Hồ), người Pháp ghi: trồng trà, cà phê và canh-ki-na. Vậy giờ còn dấu tích gì của cây canh-ki-na không?”. Theo câu chuyện kể của ông thì khi mới khai hoang vùng đất này để lập đồn điền, bệnh sốt rét ngã nước là mối nguy hiểm hàng đầu nên người Pháp đã trồng thử nghiệm loại cây canh-ki-na (quinquina-Pháp, cinchona-Anh) để chiết xuất làm thuốc ký ninh (quinine). Người dân vùng này cho rằng rễ của cây canh-ki-na còn có tác dụng thanh lọc, khử độc cho những mạch nước ngầm tụ hội về hồ nước mà bà con 2 thôn thời xưa vẫn gánh về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Tại vị trí lô trà phía đối diện ngay trước trường học, ông Hậu chỉ cho tôi 2 cây canh-ki-na (trong số 4 cây mà hiện nay Công ty Chè Biển Hồ vẫn cố gắng gìn giữ). 2 cây canh-ki-na này nằm cạnh, xen lẫn và dễ nhầm với những loài cây khác trồng với mục đích che mát và chắn gió cho cây trà.

Như vậy, ngoài hàng thông sắp được 100 tuổi, Sở trà Biển Hồ xưa vẫn còn đó những dấu tích xuyên thế kỷ: ngôi nhà của ông chủ sở trà người Pháp, những gốc trà còn đang được duy trì và thu hoạch… Và nay được bổ sung thêm cây cọ lâu năm, nền nhà máy chế biến cũ và những cây canh-ki-na còn sót lại.

Cái mới sẽ thay thế dần cái cũ đã hư hỏng hoặc không còn hợp thời. Ví dụ, chùa Bửu Minh đã được xây dựng mới hoàn toàn; một vài diện tích trồng cây trà đang bị thay thế bằng những luống khoai lang của một công ty mới thành lập. Có thể rồi đây sẽ là những thứ khác nếu không được duy trì, tôn tạo.

KIÊN HOÀNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12369/202208/so-tra-bien-ho-vai-dau-tich-xuyen-the-ky-5786927/