Số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 80%

Ngày 1-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức hội thảo thảo luận kế hoạch, đặc biệt là các giải pháp thực hiện phù hợp để hoàn thành các mục tiêu hỗ trợ trẻ em.

Hội thảo thảo luận các giải pháp hỗ trợ trẻ em.

Hội thảo thảo luận các giải pháp hỗ trợ trẻ em.

NDĐT- Ngày 1-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức hội thảo thảo luận kế hoạch, đặc biệt là các giải pháp thực hiện phù hợp để hoàn thành các mục tiêu hỗ trợ trẻ em.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, sự phát triển toàn diện của trẻ em là phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Việt Nam đã quan tâm đến thực hiện các chương trình chính sách cho bà mẹ từ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, các chính sách bảo đảm cho sự phát triển của trẻ em đặc biệt dưới 36 tháng tuổi, trẻ em trước tuổi đi học và hỗ trợ trẻ em lứa tuổi tiểu học trong đó ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dễ bị tổn thương.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận với giáo dục kiến thức kỹ năng sống.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, dù đã tích cực thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ bảo đảm thực hiện quyền trẻ em nhưng hiện nay, Việt Nạm vẫn còn khoảng hơn năm triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Trong đó, tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí, sức khỏe và nước sạch.

Khả năng tiếp cận các bệnh viện tuyến trên của người nghèo sống ở khu vực miền núi chỉ bằng một phần ba so với người nghèo ở miền xuôi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, cao nhất là vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía bắc. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi con thấp. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn còn thiếu điểm vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, do nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và các điều kiện tự nhiên, tại các tỉnh miền núi phía bắc và Trung Bộ vẫn còn nhiều gia đình rất khó khăn vào mùa đông giá rét, con em các đồng bào dân tộc thiểu số không có đủ quần áo ấm để mặc, chăm ấm để đắp.

Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong hai năm 2017 - 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 4.912 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 80%. Vẫn còn những vụ việc bị phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội; bản thân trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực; vẫn còn những khoảng trống trong vấn đề xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em trai.

“Để giải quyết các thách thức trên, nhất định chúng ta cần có các chương trình, kế hoạch hành động tổng thể, mang tính chất toàn quốc, tập trung nguồn lực cho các giải pháp chính sách, thực tiễn đối với các cấp, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, triển khai các giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài”, bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Tham dự hội thảo, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về tích hợp quá trình phát triển đầu đời của trẻ vào Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Theo bà Lesley Miller, hội thảo này là dịp để các cơ quan liên quan thảo luận cách thức đẩy mạnh quá trình triển khai những chương trình liên quan đến trẻ em ở Việt Nam như thế nào, đặc biệt là những trẻ em đang khó tiếp cận nhất và đang trong điều kiện khó khăn.

“Nhiều chương trình hành động kế hoạch chúng ta thảo luận ngày hôm nay vô cùng quan trọng và là những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, các chương trình này chỉ có tác động thực sự đối với cuộc sống của trẻ em nếu nó thực sự được triển khai vào thực tế”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Quyết định triển khai các chương trình, đề án về hỗ trợ trẻ em. Trong đó, Quyết định số 588/QĐ-TTg TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025, dù mới được ban hành nhưng trong dịp Tết vừa qua, 13 tỉnh đã được hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em, với kinh phí mỗi tỉnh khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42103802-so-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-chiem-hon-80.html