Sở Tư pháp An Giang phổ biến, giáo dục pháp luật: Đăng tải tin sai sự thật trên mạng xã hội - Tiktok
Ông Cường là chủ tài khoản Tiktok có tên L.T.C., do xem nhiều trang thông tin đăng tải trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực, mà không nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi sai phạm. Ông Cường thường xuyên đăng tải các thông tin có nội dung sai sự thật, vu khống và xúc phạm danh dự, uy tín của các tổ chức, cá nhân, mà ông không thích.
Bà H.N. Dung (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) là nạn nhân của ông Cường muốn hỏi: Trong trường hợp nêu trên, ông Cường sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp An Giang trả lời:
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 sửa đổi, bởi Khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/2/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội, để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;...”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 sửa đổi, bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP, thì đây là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.
Do đó, trong trường hợp trên, ông Cường có hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, buộc ông Cường gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật, do ông cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo đã đăng tải trên không gian mạng (Khoản 3, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Bên canh đó, đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…, thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội, cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, mà có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 về các tội, như: Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội vu khống (Điều 156); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331)…
Do đó, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại, do hành vi đó gây ra, căn cứ vào quy định trên của Bộ luật hình sự 2015 và có hình thức xử lý phù hợp.