Sở Tư Pháp Hà Nội giải quyết 9 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi luôn được Sở Tư pháp chú trọng thực hiện, khẳng định được vai trò tham mưu của Sở đối với các cấp cơ sở.
9 tháng đầu năm 2020, công tác hộ tịch, chứng thực do Sở Tư pháp thực hiện có nhiều điểm nhấn. Ngày 7-7-2020, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn TP thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.
Để đảm việc quản lý thu, nộp lệ phí hộ tịch, bảo đảm tính thống nhất theo Nghị quyết số 06, Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện trên địa bàn; đồng thời, phối hợp liên quan có Tờ trình liên ngành tham mưu UBND TP ban hành quyết định hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.
Về việc triển khai đề án CSDL điện tử, Sở Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch của UBND TP về triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội và lấy ý kiến các đơn vị về nội dung dự thảo.
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì việc thực hiện phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Đa số yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân được giải quyết kịp thời; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, Sở Tư pháp đã tổ chức đoàn kiểm tra tại 4 đơn vị quận, huyện trong quý III và quý IV-2020; hiện đã tiến hành kiểm tra tại 3 đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, công tác hộ tịch và công tác chứng thực ở cơ sở đã đi vào nền nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Để tăng cường CCHC, đảm bảo thực hiện thống nhất trên địa bàn TP, Sở Tư pháp đang phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Quyết định số 4041 của UBND TP về việc ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí trên địa bàn TP Hà Nội, đảm bảo đúng quy định theo Quyết định số 1380 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở cũng xây dựng danh mục TTHC liên thông và quy trình nội bộ giải quyết TTHC liên thông theo đúng quy định, tăng cường tuyên truyền vận động công dân thực hiện. Rà soát, xây dựng Danh mục TTHC lĩnh vực hộ tịch, chứng thực và Quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch, chứng thực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TP, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TP theo Quyết định số 1872 của Bộ Tư pháp công bố TTHC sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Sở đã tổ chức các Hội nghị tập huấn Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và Quyết định số 1329 của Bộ Tư pháp về việc công bố TTHC sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp cho cán bộ tư pháp làm công tác chứng thực của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Tiếp tục vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin và CSDL về hộ tịch, chứng thực trên địa bàn TP; thông tin rộng rãi tới người dân nhằm đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực chứng thực.
Công tác chứng thực của UBND cấp huyện, xã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tại UBND cấp huyện đã sắp xếp công chức có trình độ chuyên môn về chứng thực, được đào tạo, tập huấn, có kỹ năng về CNTT đáp ứng được yêu cầu của công việc. UBND các cấp đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác; công chức được sử dụng phần mềm một cửa, sổ chứng thực điện tử nên công việc nhanh và chính xác.
Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí chứng thực được thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính. Các khoản thu được UBND cấp huyện nộp vào ngân sách Nhà nước 100%; việc quản lý công tác viên dịch thuật được đảm bảo đúng quy định, hiện Sở đã phê duyệt 18 cộng tác viên dịch thuật cho 6 Phòng Tư pháp.
Sở Tư pháp cũng phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định; đồng thời, lồng ghép các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/2018/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới, tiến hành rà soát các thủ tục hành chính có liên quan nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản về nuôi con nuôi.
Để việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài đảm bảo chặt chẽ, khách quan, phù hợp với nhu cầu và lợi ích tốt nhất của trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã tham mưu, trình UBND TP giải quyết 9 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Về công tác quốc tịch, UBND TP ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND triển khai Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Sở cũng đã tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với ông Golikov Igor (Nguyễn Vũ Thắng).