Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế huy động trí tuệ tập thể góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 2/3, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Đại diện UBMT tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố Huế; và Hội Luật gia tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đại học Luật (Đại học Huế), các tổ chức đấu giá, công chứng trên địa bàn tỉnh cùng dự

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội và khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong quá trình phát triển. Đồng thời, góp ý tâm huyết về nhiều nội dung quan trọng như: Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, Luật đất đai sửa đổi dưới góc nhìn của doanh nghiệp, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và những vấn đề liên quan đến chính sách chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản...

Góp ý tại hội thảo, Luật sư Hồ Viết Tư (Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đai là một lĩnh vực hết sức phức tạp, nhạy cảm, rất nhiều dự án sau khi hoàn thành đã cải thiện đáng kể cảnh quan, môi trường, đô thị văn minh hơn.

Tuy nhiên theo Điều 79 (Dự thảo), nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Luật sư Hồ Viết Tư (Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế) kiến nghị sửa đổi Luật lần này cần phải quy định giá bồi thường do cấp có thẩm quyền quyết định nhất thiết phải gắn với giá thị trường để người bị thu hồi đất ít thiệt thòi

Luật sư Hồ Viết Tư (Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế) kiến nghị sửa đổi Luật lần này cần phải quy định giá bồi thường do cấp có thẩm quyền quyết định nhất thiết phải gắn với giá thị trường để người bị thu hồi đất ít thiệt thòi

Theo Luật sư Hồ Viết Tư, việc này gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất là giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định. Từ trước đến nay giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định thường thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Vì vậy, kiến nghị sửa đổi Luật lần này cần phải quy định giá bồi thường do cấp có thẩm quyền quyết định nhất thiết phải gắn với giá thị trường để người bị thu hồi đất ít thiệt thòi và tất yếu khiếu kiện sẽ giảm. Do đó, Điều luật này cần bổ sung cụm từ “theo giá thị trường” vào sau đoạn “do UBND cấp có thẩm quyền quyết định”.

Thất thu thuế trong giao dịch bất động sản là một thực trạng nhức nhối đã và đang diễn ra trong một thời gian dài vừa qua. Để thực hiện tốt chủ trương chính sách "thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải đề ra biện pháp cứng rắn và hiệu quả để ngăn chặn thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế, trong đó có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ quy định pháp luật đất đai.

Do đó, nhằm mục tiêu để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khắc phục những nguyên nhân dẫn thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản, bà Nguyễn Thị Đào, Phó trưởng Phòng Bổ trợ Tư pháp Thừa Thiên Huế góp ý: Điều 153 dự thảo Luật về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, trong đó có nguyên tắc “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác.

So với Điều 112 Luật đất đai năm 2013, nguyên tắc, phương pháp định giá đất có sự thay đổi cơ bản theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra, một trong những căn cứ để tính giá đất là mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện tần suất nhiều. Giá giao dịch thực tế là gì, là giá trên hợp đồng hay giá thỏa thuận của các bên. Về pháp lý, chỉ có giá trên hợp đồng được công nhận. Tuy nhiên, giá đất giao dịch trên hợp đồng thường thấp hơn (thậm chí thấp hơn nhiều) so với giá giao dịch thực sự. Do đó cần có thêm các phương pháp, căn cứ khác để đảm bảo giá giao dịch thực tế.

Về vấn đề đăng ký đất đai, bà Nguyễn Thị Đào cho rằng, để góp phần khắc phục tình trạng giao dịch “giấy tay”: Ngoài khoản 2 Điều 134 dự thảo Luật kế thừa đất đai năm 2013 (khoản 6 Điều 95) quy định các trường hợp đăng ký biến động thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Trường hợp, thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Nhiều giao dịch “lướt sóng” để “lách” thuế thời hạn 30 ngày đủ để chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện các giao dịch khác( bằng cách hủy hợp đồng trước đó và ký tiếp với người tiếp theo). Để hạn chế tình trạng này nên giảm thời hạn 30 ngày phải đăng ký biến động thành 15- 20 ngày. Đồng thời bổ sung quy định loại trừ trường hợp bất khả kháng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp tham gia, đóng góp ý kiến, bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Hội thảo đã phản ánh chân thực ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tạo không gian để trao đổi, phát triển nguồn lực trí tuệ của đất nước.

Đây cũng là tiền đề để tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hội nghị, hội thảo hoặc hình thức phù hợp khác nhằm phát huy trí tuệ của toàn thể cán bộ, nhân dân, tổ chức trong tham gia, đóng góp ý kiến đối với các chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong thời gian đến.

Sau buổi hội thảo, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành tiếp thu, tổng hợp toàn bộ các tham luận, ý kiến mà quý vị đã trình bày, đóng góp để gửi đến cơ quan chủ trì tại địa phương và Trung ương, đảm bảo thời gian quy định.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/so-tu-phap-thua-thien-hue-huy-dong-tri-tue-tap-the-gop-y-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-post468237.html