Sở VHTTDL Đồng Nai phân cấp di tích cho các địa phương quản lý

Sở VHTTDL Đồng Nai tổ chức Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi đề tài gia đình, phát huy giá trị di tích từ phân cấp quản lý, thống nhất mô hình hoạt động của ban chỉ đạo phong trào là những hoạt động văn hóa đang diễn ra tại tỉnh Đồng Nai.

Sở VHTTDL Đồng Nai tổ chức Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi đề tài gia đình

Sở VHTTDL vừa ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho thiếu nhi đề tài về gia đình. Cuộc thi do Sở VHTTDL phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh tổ chức.

Với chủ đề Gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ, cuộc thi dành cho thiếu nhi có độ tuổi từ 6-15 học tập tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Các em tham gia vẽ tranh với nội dung thể hiện mong muốn, ước mơ của mình theo một số nội dung: gia đình - môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; gia đình - nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hạnh phúc luôn tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ...

Tác phẩm dự thi được vẽ trên giấy trắng khổ A3 với các loại màu tự chọn như: chì, bột màu, sáp màu, sơn dầu, màu nước… Ngoài gửi tranh vẽ, tác giả gửi kèm 1 tấm hình (15cmx21cm) chụp gia đình, một bài thuyết minh về bức tranh tác giả thực hiện. Thời gian phát động từ ngày 15-4 đến 15-10-2020. Công bố kết quả, tổ chức triển lãm, trao giải nhân kỷ niệm Ngày thế giới Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25-11). Tác phẩm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về: Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT-DL, số 2 Nguyễn Văn Trị, P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa.

Ban tổ chức sẽ trao 5 giải tập thể (trong đó có 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 2 giải khuyến khích) và 19 giải cá nhân (2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 10 giải khuyến khích kèm theo giấy khen).

Phát huy giá trị di tích từ phân cấp quản lý

Thực hiện Quyết định số 39 ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở VHTTDL đã phân cấp di tích về cho các địa phương quản lý nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt từ xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích - danh thắng.

Thanh niên TP.Biên Hòa tìm hiểu tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Báo Đồng Nai

Thanh niên TP.Biên Hòa tìm hiểu tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Báo Đồng Nai

Mặc dù công tác phân cấp, quản lý trong một năm qua có nhiều chuyển biến tích cực song các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn tới việc chưa phát huy hiệu quả giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 15-3 đến 15-4, Sở VHTTDL thành lập đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá sau một năm triển khai thực hiện Quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác rà soát các nội dung: quản lý, bố trí nhân sự, phòng ngừa trộm cắp hiện vật; quản lý tổ chức lễ hội tại di tích. Đồng thời rà soát hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích; những khó khăn và vướng mắc, kiến nghị và đề xuất của các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả di tích.

Theo lãnh đạo ngành Văn hóa Đồng Nai, vấn đề quan trọng nhất vẫn là các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, cần kịp thời, khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo cần công khai minh bạch, theo nguyên tắc khoa học, có sự giám sát của cộng đồng. Trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Đồng Nai chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng. Bởi vậy nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán trùng tu, tôn tạo di tích rất nan giải. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh những giải pháp tích cực để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia tu bổ, tôn tạo di tích.

Hiện toàn tỉnh có 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 29-9-2018 của UBND tỉnh về quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, di tích địa phương nào giao về cho địa phương ấy quản lý nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động các di tích.

Thống nhất mô hình hoạt động của ban chỉ đạo phong trào

Sở VHTTDL vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ về việc thống nhất mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (phong trào) cấp huyện.

Theo Sở VHTTDL, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh, Sở đề xuất cơ cấu tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo phong trào cấp huyện, cụ thể: trưởng ban là chủ tịch UBND huyện, phó trưởng ban thường trực là phó chủ tịch UBND huyện phụ trách văn hóa - xã hội. Cơ quan thường trực ban chỉ đạo là phòng văn hóa - thông tin cấp huyện. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp huyện sẽ phân công các phòng, ban phụ trách những chương trình liên quan trong phong trào.

Thủy Bích (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/so-vhttdl-dong-nai-phan-cap-di-tich-cho-cac-dia-phuong-quan-ly-20200328000555375.htm