Số vụ điều tra chống lẩn tránh tại Hoa Kỳ đang gia tăng
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại năm 2023, trong đó có đến 17/18 mặt hàng là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Để hiểu rõ hơn về xu hướng phòng vệ thương mại tại thị trường này, Tạp chí Công Thương đã có một số trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
TCCT: Thưa ông, theo số liệu mới nhất mà chúng tôi có được, trong số 235 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 23%.
Xin ông cho biết những đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ đã tác động như thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam và khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang thị trường này được đưa vào diện cảnh báo sớm trong thời gian qua? Những thông tin cảnh báo sớm đã giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tránh được những rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại, hay có thể góp phần giảm thiểu những tác động của việc điều tra phòng vệ thương mại như thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Có thể nói Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 73 tỷ USD và thặng dư thương mại khoảng 66 tỷ USD, đưa Việt Nam lên thứ ba về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Điều này thể hiện Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đi kèm theo đó thì cũng có những rủi ro về phòng vệ thương mại. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam chiếm khoảng 53% tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó các nguy cơ phòng vệ thương mại cũng ngày càng lớn hơn.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích nếu bị kiện ở Hoa Kỳ. Do vậy các vụ việc ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Thực tế, ngoài Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì các cơ quan khác như Ủy ban Thương mại Quốc tế, cơ quan hải quan hay biên phòng Hoa Kỳ đều có thể điều tra các vụ việc phòng về thương mại.
Tính đến tháng 10/2023, các vụ việc phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là chiếm đến 58 vụ việc, các mặt hàng cũng ngày càng mở rộng, đa dạng và không phải các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ta.
Qua công tác theo dõi thị trường thì chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã ngày càng quan tâm hơn đến các vụ việc phòng vệ thương mại cũng như hệ thống tình báo sớm, đã tham gia rất đầy đủ cũng như theo dõi chặt chẽ các cảnh báo của Cục Phòng vệ thương mại.
Chúng tôi cho rằng hệ thống cảnh báo sớm này rất quan trọng. Bởi, thứ nhất, hệ thống này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tìm hiểu về các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại sớm.
Thứ hai, cung cấp thêm thời gian để doanh nghiệp có thể chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó vụ kiện khi xảy ra. Trên thực tế, khi bị kiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực con người, thời gian và cả tài chính để tham gia trong suốt quá trình điều tra vụ việc - thông thường là khoảng 12 tháng.
Thứ ba, cung cấp thêm thời gian cho doanh nghiệp để có thể cung cấp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ, sổ sách và tài liệu, nhất là kế toán, giấy tờ xuất nhập khẩu để có thể kịp thời cung cấp tài liệu kiểm chứng cho cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nếu bị kiện. Việc này sẽ tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp ứng phó, khi thời gian mà cơ quan Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin thường có thời hạn nhất định và các tài liệu cũng phải được gửi theo đúng định dạng, thông tin hay một số yếu tố cụ thể khác phải được đáp ứng. Trên thực tế, một số vụ việc trước đây, do chưa nắm được các quy định về giải trình, nên hồ sơ, tài liệu của các doanh nghiệp Việt Nam bị chậm, hoặc chưa đúng yêu cầu, dẫn đến việc cơ quan điều tra cho là chúng ta chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định.
TCCT: Ông có thể chia sẻ về xu hướng của các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới đối với hàng hóa nhập khẩu sang thị trường này nói chung cũng như là hàng hóa của Việt Nam nói riêng? Nhóm hàng hóa nào của chúng ta có nguy cơ cao trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ? Các doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với vấn đề này?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Hiện nay xu hướng phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, các cơ quan của Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế để áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, với lý do: i) Thời gian điều tra nhanh và yêu cầu điều tra đơn giản hơn; ii) Mức thuế áp dụng thường rất cao; iii) Có thể không bị khởi kiện do WTO chưa quy định cụ thể về nội dung này. Do đó, nhóm hàng có nguy cơ bị kiện cao thường là các nhóm hàng đã bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước đó với các nước khác.
Thứ hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ gần đây thường tự khởi xướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại. Trước đây, chủ yếu các vụ việc bắt đầu từ đơn kiện của nguyên đơn là nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã chủ động khởi xướng một số vụ việc mà không cần đến đơn kiện của doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng thì có xu hướng thường là những mặt hàng có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ như mặt hàng nhồm và thép, năm 2018 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nêu rằng, căn cứ vào Mục 232 của Đạo luật về mở rộng thương mại 1962, mặt hàng nhôm thép thuộc nhóm liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra thì thường sẽ không tập trung vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng.
Xu hướng trên một mặt thuận lợi là giúp ta có thể cảnh báo trước và chuẩn bị một cách bài bản hơn, có sự đầu tư theo dõi về nguồn lực, thời gian cho các mặt hàng cảnh báo bị kiện; nhưng cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc do những vụ việc này thường rất phức tạp.
Gần đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã gửi đơn đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ và đề nghị khởi xướng rà soát về việc thay đổi hoàn cảnh đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện nay thông tin trên đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ đăng công khai trên hệ thống của Công báo Liên bang Hoa Kỳ, mở thời hạn là 30 ngày để các bên liên quan, các stakeholder có thể tham gia đóng góp ý kiến đối với đề xuất thay đổi hiện trạng hoàn cảnh của Việt Nam.
Mong các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực kinh doanh của mình có những bạn hàng nhập khẩu từ phía Hoa Kỳ mà có quan hệ tốt với Hiệp hội, doanh nghiệp thì có thể đóng góp thông tin, chia sẻ những bình luận đối với đề xuất ủng hộ Việt Nam trong việc sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả quá trình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
TCCT: Theo ông, để giữ được lợi thế và hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần phải làm gì, cần trang bị những gì cho mình để có thể ứng phó được tốt với các vụ việc phòng vệ thương mại?
Ông Đỗ Ngọc Hưng: Để giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt sớm thông tin về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp cần chủ động, có thời gian để chuẩn bị chính chính thức cũng như chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, thông tin, hồ sơ, sổ sách, giấy tờ bởi ở một góc độ nào đó thì doanh nghiệp chính là người mà hiểu rõ hơn ai hết về sản phẩm của mình.
Thứ hai, cần phối hợp với sức chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội ngành hàng trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Nếu được đưa vào danh sách có nguy cơ bị khởi kiện, doanh nghiệp cũng cần chủ động trang bị các kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết.
Và một vấn đề rất quan trọng là để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, xuất khẩu xanh thì doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá mà chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.
Trân trọng cảm ơn ông!