Số vụ tấn công mạng tại Việt Nam giảm mạnh trong năm 2022
Báo cáo mới nhất từ hãng an ninh mạng toàn cầu Kaspersky cho thấy tình hình an ninh mạng Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Theo thống kê mới nhất từ Kaspersky Security Network (KSN), số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được Kaspersky phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với 63.482.728 vụ vào năm 2021. Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022.
Đáng chú ý, số vụ tấn công tại Việt Nam năm 2022 cũng đã giảm 25,39% so với năm 2021 và giảm tới 54,74% so với năm 2020, với tổng số 121.542.272 mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Trong năm 2022, Việt Nam duy trì vị trí thứ 31 trên toàn thế giới về các mối đe dọa ngoại tuyến.
Trong khu vực, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là quốc gia có số lượng các mối đe dọa từ Internet thấp nhất, với 3.206.428 vụ. Trong khi đó, với tổng số 2.377.147 cuộc tấn công đã được Kaspersky phát hiện và ngăn chặn, Singapore là quốc gia ít bị tấn công nhất bởi các phương thức ngoại tuyến tại Đông Nam Á.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nhận xét: “Trong năm qua, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc nhờ sự chung tay của chính phủ, các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường trong cách tiếp cận và khai thác lỗ hổng của tội phạm mạng, chúng tôi khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực an ninh mạng để kịp thời phát hiện và xử lý các lỗ hổng.”.
Để giúp các tổ chức nhận biết và bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công, Kaspersky khuyến nghị các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện các đề xuất sau: Thường xuyên kiểm tra và cài đặt các bản vá cập nhật mới để khắc phục các lỗ hổng bảo mật; Cung cấp các khóa đào tạo về an ninh mạng cho nhân viên, sử dụng mật khẩu mạnh trong doanh nghiệp; Sao lưu dữ liệu kinh doanh quan trọng; Sử dụng xác thực đa yếu tố, đặc biệt khi truy cập thông tin tài chính hoặc đăng nhập vào mạng công ty; Sử dụng giải pháp bảo mật doanh nghiệp đáng tin cậy, chẳng hạn như Kaspersky Endpoint Security for Business hoặc Kaspersky Digital Footprint Intelligence, để kịp thời phát hiện các mối đe dọa tấn công tiềm ẩn và điều chỉnh kế hoạch phòng thủ...