Số vụ tội phạm về tham nhũng, chức vụ bị khởi tố đã tăng lên
Năm 2022, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí, thời gian qua nổi lên một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 501 vụ, tăng 137 vụ (37,6%), chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án.
Nguyên nhân của việc phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng là do các cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động nhận diện, dự báo sát tình hình, đúng, trúng hành vi vi phạm về tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, ngoại giao để phát hiện, xử lý sai phạm và đã đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
Ngoài ra, nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Điển hình là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị có liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ...
Hay như vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.
Đáng lưu ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan Nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội. Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đã khởi tố 84 vụ, tăng 13 vụ (18,3%);...
Bên cạnh đó trong lĩnh vực trật tự xã hội đã xảy ra một số vụ án giết người thân, giết nhiều người, giết người sau khi sử dụng ma túy bị ảo giác; một số vụ án xâm hại trẻ em với những hành vi dã man, trong thời gian dài; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” xuất hiện những thủ đoạn phạm tội mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng. Tội phạm mua bán người để cưỡng bức lao động sang Campuchia gia tăng với tính chất phức tạp hơn. Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đấu thầu, đấu giá tài sản, đấu giá, mua sắm công, cổ phần hóa, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4.276 vụ so với năm 2021 (4,9%). Nguyên nhân nhiều nhóm tội phạm khởi tố mới giảm so với năm 2021, chủ yếu là do sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và công tác tuyên truyền trong đấu tranh, xử lý tội phạm của các cấp, các ngành được tăng cường và hiệu quả hơn.