Sở Xây dựng TPHCM tìm giải pháp gì khắc phục tình trạng cây xanh bật gốc?

Tình trạng cây xanh ngã đổ tại khu trung tâmTPHCM liên tiếp xảy ra đe dọa an toàn của người đi đường. Sở Xây dựng TPHCM cho biết, ngoài các biện pháp như đốn hạ cây sâu bệnh, cây già cỗi và triển khai phương án phòng ngừa cây đổ, về lâu dài thành phố sẽ thay thế những giống cây dễ bật gốc đang trồng hiện nay bằng giống cây mới có tính an toàn cao hơn.

Mới đây nhất, trong cơn mưa lớn trưa ngày 2-6, một cây xanh cao 20m có đường kính gần nửa mét trên đường Bùi Văn Thêm (phường 9, quận Phú Nhuận) bị bật gốc đổ xuống. Thân cây đè vào đường dây điện và một xe tải đang đậu tại khu vực, may mắn không có thương vong.

Trước đó, chiều 28-5, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến một cây xanh cao khoảng 10m trước số nhà 69 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) bật gốc, ngã ra đường, đè lên nắp capô xe hơi đang đậu bên đường. Hậu quả làm xe bị hư hỏng, các xe cộ khác cũng không thể qua lại do cây đổ chắn ngang.

Trong cơn mưa dông và gió mạnh chiều tối 27-5, một cây cao ven đường Hai Bà Trưng (đoạn giao đường Lê Thánh Tôn, quận 1) bật gốc đè một chiếc ôtô đang di chuyển. Một nhánh cây lớn trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đã gãy rơi xuống chắn ngang đường trong cơn mưa lớn tối 26-5…

Nhánh cây lớn bị rơi gãy chắn ngang đường Chu Văn An tối 26-5. Ảnh: BD

Tại cuộc họp báo chiều 2-6, ông Lê Quang Đạo (Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, từ đầu năm 2022, sở đã tổ chức thực hiện các công tác nhằm làm giảm thiểu các rủi ro, cây ngã đổ, cụ thể như chỉ đạo tất cả đơn vị, trong đó có Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (đơn vị được giao quản lý cây xanh trên địa bàn TP) đốn hạ cây sâu bệnh, già cỗi, cắt tỉa ngọn để hạn chế mức thấp nhất việc gãy nhánh, ngã cây khi có dông gió lớn…

Trong hai tháng tới, sở và các đơn vị cây xanh sẽ kiểm tra tình trạng cây xanh hiện tại, từ đó đánh giá, đưa ra phương án phòng ngừa cây đổ gây nguy hiểm tính mạng người dân.

Về phương án xử lý lâu dài, trong đề án giai đoạn 2020-2030, thành phố sẽ cùng các chuyên gia, đơn vị khoa học nghiên cứu những chủng loại cây đô thị phù hợp với yếu tố thiên nhiên địa phương, thay thế loài cũ dễ bật gốc.

Theo ông Đạo, chuyên gia sẽ nghiên cứu phương pháp chẩn đoán khiếm khuyết của cây bằng cách siêu âm thân cây nhằm xử lý cây hư hỏng. Tại các tuyến đường có nhiều cây mang nguy cơ ngã đổ cao do mưa gió lớn, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM sẽ đốn hạ hoặc thay thế các cây bị sâu bệnh, già cỗi; đồng thời theo dõi cây xanh ở những tuyến đường có nhiều phương tiện qua lại, cây lớn, cổ thụ tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ.

Trong thời gian vừa qua, đơn vị này đã kiểm tra khoảng 120.000 cây xanh, hạ thấp chiều cao của cây trên 95 tuyến đường, xử lý gần 1.000 cây bị khiếm khuyết.

Bạch Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-xay-dung-tphcm-tim-giai-phap-gi-khac-phuc-tinh-trang-cay-xanh-bat-goc/