Sở Y tế Hải Dương đề xuất hỗ trợ 500 triệu đồng cho bác sĩ chuyên khoa II về làm việc tại các chuyên khoa tâm thần
Sở Y tế Hải Dương đề xuất hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng cho người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II về làm việc tại các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu.
Chiều 6/11, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 1) để giải quyết, xem xét các nội dung, tờ trình do một số sở, ngành báo cáo.
Tại phiên họp, UBND tỉnh xem xét tờ trình của Sở Y tế về việc đề nghị cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Theo Sở Y tế, hiện nhiều chỉ tiêu về nhân lực y tế của tỉnh như số bác sĩ/vạn dân, dược sĩ/vạn dân, bác sĩ làm việc tại tuyến cơ sở… đạt kết quả tích cực nhưng vẫn thấp hơn so với toàn quốc. Nguyên nhân do thiếu nhân lực y tế, nhất là bác sĩ tuyến cơ sở và một số chuyên ngành khó tuyển dụng như tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu…
Từ năm 2020-2023, toàn ngành y tế có 215 công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 61 bác sĩ. Trong khi số lượng bác sĩ tuyển dụng hằng năm tương đối thấp, năm 2023 chỉ tuyển được 29 bác sĩ. Số bác sĩ công tác tại tuyến xã giảm dần theo từng năm do nghỉ hưu, chuyển công tác lên tuyến trên, xin thôi việc… So với định mức tối thiểu theo quy định, Hải Dương hiện còn thiếu 388 bác sĩ. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 tỉnh phấn đấu có 19 bác sĩ/vạn dân thì số bác sĩ cần có là 3.713 người, dự kiến thiếu 1.505 bác sĩ.
Sở Y tế đánh giá nhân lực ngành y của tỉnh thiếu hụt do mức lương thấp hơn các đơn vị ngoài công lập, áp lực công việc nặng nề, cơ sở vật chất chưa bảo đảm để nhân viên y tế phát huy năng lực, chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề cao và tự chi trả... Bên cạnh đó, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực nói chung, nhân lực ngành y nói riêng chưa phù hợp, không đủ hấp dẫn đối với các lĩnh vực đặc thù của ngành y.
Sở Y tế đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập gồm 3 chính sách. Đó là chính sách đào tạo, chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ và chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ làm việc tại trạm y tế cấp xã.
Về chính sách đào tạo, Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ cao nhất chi phí nghiên cứu, học tập sau khi tốt nghiệp được nhận văn bằng tiến sĩ là 100 triệu đồng/người/khóa; bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú 50 triệu đồng/người/khóa; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 30 triệu đồng/người/ khóa.
Đối với chính sách thu hút nhân lực, mức hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng/người với người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II về làm việc tại các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu.
Chính sách đãi ngộ với bác sĩ làm ở trạm y tế dự kiến hỗ trợ hằng tháng hoặc theo ngày làm việc bằng 20% mức lương hiện hưởng nếu công tác ở xã, 15% lương hiện hưởng khi công tác tại phường, thị trấn.
UBND tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Y tế về việc xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực ngành y.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu biểu dương cố gắng, nỗ lực của ngành y tế trong việc đề xuất xây dựng, tham mưu chính sách. Sở đã tham khảo kinh nghiệm các tỉnh, thành phố lân cận để cân nhắc đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp với tiềm lực của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh chính sách hỗ trợ nhân lực y tế bằng tiền chưa đủ mà phải tổng hòa với cơ sở vật chất, điều kiện, môi trường làm việc. Đây là ngành nghề đặc thù, cần phải có cơ chế hỗ trợ để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế an tâm, gắn bó với cơ quan, đơn vị công tác. Sở Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, điều chỉnh, hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp cuối năm. Các ban HĐND tỉnh đồng hành, phối hợp với cơ quan tham mưu của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng nghị quyết để thống nhất về quan điểm, chủ trương.
Phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 1) còn xem xét, thảo luận về nội dung trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi điểm c khoản 2 điều 6 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025; đề xuất chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới thị trấn Nam Sách; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại Phí Xá, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng); chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng (TP Hải Dương).