Sở Y tế nói về khả năng bệnh Marburg xâm nhập vào TP.HCM

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá nguy cơ lây lan Marburg là thấp ở cấp toàn cầu. Nguy cơ bệnh này xâm nhập vào TP.HCM là không cao.

 Virus Marburg được ghi nhận lần đầu năm 1967 từ loài dơi. Ảnh: Science Source.

Virus Marburg được ghi nhận lần đầu năm 1967 từ loài dơi. Ảnh: Science Source.

Trước thông tin virus Marburg đang có nguy cơ lây lan trên thế giới, Sở Y tế TP.HCM đã lên tiếng về nguy cơ bệnh này ở địa phương.

Bệnh do virus Marburg (MVD), trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, là căn bệnh ban đầu lây truyền sang người do tiếp xúc kéo dài khi làm việc trong các hang động - nơi sinh sống của các đàn dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Sau khi đã thâm nhập vào quần thể người, virus Marburg có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp (qua da bị tổn thương hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết, nội tạng. Nó có thể lây lan qua các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh, cũng như với các bề mặt và vật liệu (giường, quần áo) bị nhiễm các chất dịch này.

Nhân viên y tế là nhóm thường bị nhiễm bệnh trong lúc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nếu các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn không được tuân thủ nghiêm túc.

Các đợt bùng phát MVD đã xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, virus đã lây lan ra khắp thế giới thông qua khách du lịch bị nhiễm bệnh hoặc nhân viên bị lây nhiễm trong phòng thí nghiệm.

Theo Sở Y tế, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập vào TP.HCM là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra.

 Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda. Ảnh: WHO.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda. Ảnh: WHO.

Về đường hàng không, nguy cơ xâm nhập vào thành phố khá thấp khi không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Khả năng thâm nhập qua đường hàng hải là rất thấp, Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải tại Kigali. Theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ tháng 1/2023 đến 30/9/2024, không có tàu thuyền nào trực tiếp từ cảng hàng hải này.

Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến TP.HCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg là 21 ngày.

Ngày 11/10, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản chỉ đạo các triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda.

Sở Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đi du lịch không cần thiết, ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Đối với người từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện có những triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử di chuyển để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc kết luận một căn bệnh chưa xác định là “bệnh lạ”, “bệnh bí ẩn” là phản khoa học, có thể gây hoang mang không cần thiết trong dư luận.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/so-y-te-noi-ve-kha-nang-benh-marburg-xam-nhap-vao-tphcm-post1504033.html