Sốc: Bị 'thổi bay' hơn 66% giá trị doanh nghiệp trong vài tuần do gặp khó với Trung Quốc?
Giá cổ phiếu FTM trong hơn 3 tuần qua đã bị 'thổi bay' tới hơn 66% giá trị, thậm chí có phiên, cổ đông FTM nay còn mang hơn nửa công ty ra để 'bán sàn'. Nguyên nhân liệu có phải do gặp khó với thị trường Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến leo thang?
Hầu hết thời gian diễn biến trên mức tham chiếu, tuy nhiên, chỉ số chính VN-Index vẫn đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9 với mức giảm nhẹ 0,84 điểm tương ứng 0,09% còn 976,79 điểm. HNX-Index giằng co và chỉ tăng nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,02% lên 100,96 điểm.
Trong phiên này, khoảng cách chênh lệch số mã tăng - giảm đã thu hẹp đáng kể. Có 300 mã giảm và 26 mã giảm sàn trên toàn thị trường trong khi số mã tăng là 278 mã và 37 mã tăng trần.
Về ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu lớn lên chỉ số, nếu phía tăng có SAB, TCB, VCB thì bên giảm lại xuất hiện VNM, VIC, MBB. Tuy nhiên, tác động của các mã này đến chỉ số chính là không lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index kết phiên hôm qua tuy giảm nhưng vẫn ở sát mốc tham chiếu.
Thanh khoản đạt 159,54 triệu cổ phiếu tương ứng 3.136,98 tỷ đồng trên HSX và 15,53 triệu cổ phiếu tương ứng 208,63 tỷ đồng trên HNX.
Cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân trong ngày hôm qua tiếp tục giảm sàn về 8.140 đồng/cổ phiếu và đây cũng là mức thấp nhất của mã này trong suốt năm qua.
FTM đang có chuỗi giao dịch vô cùng tệ hại với 18 phiên giảm liên tục trong đó có tới 15 phiên liền giảm kịch sàn.
Áp lực bán lên mã này vẫn rất lớn khi mà khối lượng dư bán sàn phiên hôm qua lên đến 15,5 triệu cổ phiếu. Trước đó, có thời điểm, có hơn 30 triệu cổ phiếu FTM bị đưa ra bán sàn (trong khi tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của mã này chỉ là 50 triệu đơn vị). Nói cách khác, cổ đông FTM đã sẵn sàng đem hơn nửa công ty ra bán với giá rẻ nhất.
So với vùng giá 24.000 đồng của FTM hồi đầu tháng 8 thì mã này đã “bốc hơi” gần 16.000 đồng, tương ứng giảm hơn 66% giá trị trước khi bắt đầu chuỗi giảm vừa qua.
Cổ phiếu FTM lao dốc không phanh một phần xuất phát từ việc FTM vừa qua bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng là số âm.
Cụ thể, doanh thu FTM trong nửa đầu năm giảm 24% còn 450 tỷ đồng và ghi nhận lỗ ròng 31 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Fortex giải thích do Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này - bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm sản lượng và giá bán giảm mạnh. Sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm của công ty chỉ đạt 3.855 tấn, giảm 27%. Giá bán cũng giảm khi cùng kỳ 2018 giá ổn định ở mức 3,03 USD/kg thì quý II năm nay giá biến động thất thường với giá bán cao nhất là 2,85 USD/kg và giảm dần xuống 2,58 USD/kg.
Trong khi đó, giá bông nguyên liệu (chiếm 70% giá thành) không giảm tương ứng. Giá bông tồn kho cùng các đơn hàng đã đặt có đơn giá trung bình từ 1,96 USD/kg làm giá vốn không giảm mạnh được.
Lãnh đạo FTM khẳng định đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm cũng như giá bông cuối quý giảm xuống 1,75 USD/kg song cũng chỉ đủ đảm bảo lợi nhuận gộp ở mức dương.
Về thị trường chứng khoán, theo nhận định của BVCS, VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ 970-975 điểm trong phiên hôm nay (6/9). Thị trường nhiều khả năng sẽ lại hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này.
Dù vậy, điểm chưa tích cực là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Xu hướng chung của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu vẫn sẽ theo hướng giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen kèm theo sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu.
Chiến lược đầu tư mà BVSC khuyến nghị đối với các nhà đầu tư là tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ 970-975 điểm và vùng hỗ trợ 960-965 điểm.