Sốc nhiệt do nắng nóng gây tổn thương đa tạng: Sơ cứu thế nào?
Làm việc trong thời tiết nắng gắt cộng thêm sức nóng của lửa khiến người phụ nữ 49 tuổi ở Quảng Ninh hôn mê, tổn thương đa tạng. Chuyên gia lưu ý việc sơ cứu ban đầu khi bị sốc nhiệt do nắng nóng là vô cùng quan trọng.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một nữ bệnh nhân ở Quảng Ninh bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc Bạch Mai, bệnh nhân là nữ, 49 tuổi, quê Quảng Ninh, được chuyển từ y tế tuyến dưới lên cách đây 5 ngày trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, tim...
Trước đó, bệnh nhân cùng người nhà lên nương, đốt nương trong thời tiết nắng nóng cao điểm. Đám cháy lan nhanh, do cố dập lửa trong thời gian kéo dài, sức nóng của lửa và nhiệt độ tăng cao nên bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt, nhanh chóng rơi vào hôn mê...
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một nữ bệnh nhân ở Quảng Ninh bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Vào Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiệt, nghi ngờ hôn mê do hít khói, ngộ độc khí CO. Bệnh nhân có tổn thương đa tạng, bỏng vùng mắt, tổn thương gan nặng, suy gan, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu...
Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân sốc nhiệt thường trong tình trạng nặng, tổn thương đa tạng, tỷ lệ tử vong cao kể cả khi hồi sức tốt.
Các chuyên gia cảnh báo thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ. Lúc này bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức.
Với những bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, các chuyên gia lưu ý việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, thậm chí cả di chứng mà bệnh nhân phải chịu.
Sơ cứu sốc nhiệt đúng cách
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), cho biết, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Mọi người lưu ý đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.
Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Bác sĩ cũng khuyến cáo khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, người dân phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện….
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng.
TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu phải làm việc, đi lại ở ngoài trời trong thời tiết nắng nóng như thời tiết vài ngày nay sẽ rất dễ gây ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt, trụy tim mạch, tổn thương đa tạng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng. Khi bắt buộc phải đi ra đường thì cần đội mũ, mặc quần áo kín, đeo kính, khẩu trang, uống nhiều nước. Ngay cả ở trong nhà cũng cần chú ý để nhiệt độ trong phòng không quá chênh lệch so với môi trường bên ngoài...