Sóc Sơn (Hà Nội): Chính quyền ở đâu khi để pháo nổ 'vang trời' tại đám cưới?
Một gia đình ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) đốt số lượng lớn pháo trong đám cưới khiến dư luận bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật và nghi ngại về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm khiến pháo nổ 'vang trời'.
Hiện trường vụ đốt pháo.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác về quản lý, sử dụng pháo; các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép và sử dụng pháo các loại trên địa bàn đã được các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội Thủ đô.
Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố, nhất là ở một số huyện ngoại thành vẫn tồn tại tình trạng đốt pháo nổ ảnh hưởng an ninh, trật tự, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, chưa triệt để.
Mới đây nhất, ngày 3/3, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, các lực lượng chức năng đang phối hợp với các đơn vị nghiệp của Công an thành phố Hà Nội vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý vụ một gia đình ở xã Phù Lỗ đốt số lượng lớn pháo trong đám cưới.
Đồng thời, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Quản lý hành chính và Trật tự xã hội Công an Hà Nội điều tra nguồn gốc số pháo, ai là người tổ chức đốt.
Trước đó, hình ảnh, video về một đám cưới trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho thấy một người đàn ông rải cuộn pháo thành 3-4 dãy trước cửa nhà có đám cưới. Ngoài ra, dọc lối vào đám hỷ còn treo pháo khá dài. Bên trong rạp cưới, gia chủ treo pháo dọc hai bên lối đi vào sân khấu.
Khi châm lửa, tiếng pháo nổ liên thanh kèm khói trắng bốc lên cuồn cuộn. Xác pháo đỏ rải đầy đường.
Xác nhận về sự việc trên Lãnh đạo UBND xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cho biết cơ quan chức năng đã phát hiện khi tiếng pháo phát ra rất lớn. Đơn vị này đã tiếp nhận sự việc và đang giao cho Công an xã Phù Lỗ điều tra, xử lý.
Xin nhắc lại, cách thời điểm sự việc trên xảy ra không lâu, trước dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND, về tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán,tàng trữ, sử dụng các loại pháo trên địa bàn thành phố.
Theo đó, giao Công an Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố về tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị này. Đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.
Thế nhưng, chỉ hơn một tháng sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại huyện Sóc Sơn vẫn tồn tại tình trạng số lượng lớn pháo được sử dụng "nổ vang trời" trong một đám cưới.
Trước sự việc trên khiến dư luận không khỏi bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của Lãnh đạo UBND xã Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn đã kịp thời, triệt để hay chưa?. Vì sao số lượng pháo nổ lớn không bị phát hiện ngăn chặn sớm, chỉ đến khi "pháo nổ vang trời" mới nắm được và vào cuộc kiểm tra, xử lý?
Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội nhanh chóng vào cuộc xác minh làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội Thủ đô.
Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.
Theo Điểm b và Điểm d, Phần 1 Mục III của thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Nếu mua bán trái phép pháo nổ qua biên giới thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.
Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn); Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn) Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn).
Theo quy định, không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm. Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hành chính.