Tỉnh lộ 35, tuyến đường huyết mạch kết nối Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3 đi qua địa phận huyện Sóc Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay.
Ghi nhận đoạn qua cầu Máng Tép, hàng loạt ổ voi, ổ gà xuất hiện trong nhiều tháng qua.
Tình trạng đường xuống cấp kéo dài, các ổ voi, ổ gà dày đặc như muốn giăng bẫy người đi đường.
Có những ổ voi rộng hàng mét, sâu 20cm khiến nhiều xe ô tô bị sập gầm khi đi qua đây.
Các xe tải khi đi qua đây đều phải phanh gấp, đánh lái để tránh các cái ao bất đắc dĩ này.
Mỗi ngày, hàng chục xe tải lớn nhỏ thi nhau “quần thảo” trên tuyến đường tỉnh lộ 35…
.. khiến tuyến đường này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù nhà ở mặt đường tỉnh lộ 35, thế nhưng bà Bùi Thị Lý cũng chẳng thể buôn bán gì được bởi tuyến đường này nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội.
Theo bà Lý, đây là tuyến đường chính dẫn lên khu xử lý chất thải Nam Sơn nên thường xuyên bốc mùi hôi thối, khiến người đi đường chẳng dám dừng lại lâu để mua hàng.
Một xe chở rác di chuyển với tốc độ cao cuốn theo khói bụi mù mịt và nồng nặc mùi rác thải.
Những xe rác này cũng không được vệ sinh trước khi di chuyển ra đường, thành thùng xe đen kịt, đặc quánh nước rác.
Cách đó không xa, đoạn đường tại khu vực cây xăng Phú Thịnh cũng trong tình trạng mấp mô, gập ghềnh, đầy vật cản.
Anh Nguyễn Hữu Tài, một tài xế xe công nghệ di chuyển qua tỉnh lộ 35 ví von, đi tuyến đường này như đang chơi trò vượt chướng ngại vật. Bởi lẽ, chỉ cần không để ý, những xe ô tô nhỏ có thể sập gầm xuống các ổ voi bất cứ lúc nào.
Những vật cản liên tục xuất hiện trên đường để “thử thách” tay lái của các tài xế.
Hàng loạt xe chở rác ầm ầm di chuyển trên đường tỉnh lộ 35 bất kể ngày đêm.
Một xe vận chuyển rác chưa được vệ sinh khi đi ra đường khiến rác thải còn bám đầy thùng xe.
Mặc dù xuống cấp đã lâu, thế nhưng tình trạng này vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục.
Trong khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sửa chữa tuyến tỉnh lộ 35, thì hàng ngày, người tham gia giao thông, đặc biệt là những người dân nơi đây sẽ còn phải “oằn mình” hứng chịu cảnh nước đọng, bùn lầy, bụi bặm và ô nhiễm môi trường… vì tuyến đường này đem lại. Không biết, đến khi nào thì “con đường đau khổ” như cách gọi của người dân ở đây mới hết… đau khổ?.
Hải Bằng/VOV-Giao thông