Sóc Sơn: Xã tự ý cho 'nhà đầu tư' xây cầu phao Lương Phúc, lập 'trạm BOT' thu tiền của dân
Dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng UBND xã Việt Long, Sóc Sơn đã tự ý cho một cá nhân xây dựng cầu phao tạm qua sông rồi tổ chức thu tiền của người dân qua lại.
Xã ký hợp đồng giao thu phí cầu phao tạm 40 năm
Xã Việt Long, huyện Sóc Sơn nằm bên sông Cà Lồ, bên này là huyện Sóc Sơn, bên kia sông là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Đáng nói, thôn Lương Phúc, Sóc Sơn có khoảng 40ha đất ruộng ở bên kia sông Cà Lồ nên hàng ngày phải đi đò qua sông để làm ruộng.
Vào những năm 1990, xã Việt Long đã giao cho một hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn Lương Phúc được tổ chức chở đò có thu phí để phục vụ việc đi lại của người dân hai bên bờ sông.
Đến năm 1995, UBND xã Việt Long kiến nghị, huyện Sóc Sơn đã đồng ý về mặt chủ trương làm cầu phao tạm bắc qua sông để phục vụ việc đi lại của người dân và giao cho xã Việt Long thực hiện.
Xã Việt Long vào thời điểm đó đã giao thầu cho ông Nguyễn Văn Nghĩa xây dựng cầu tạm bằng gỗ và có tổ chức thu phí phương tiện qua lại. Việc tổ chức thu phí của ông Nghĩa được xã Việt Long cho phép và ký kết hợp đồng kinh tế.
Đặc biệt, vào ngày 10/5/2013, UBND xã Việt Long đã ký kết hợp đồng kinh tế số 158/HĐKT-UBND với ông Nguyễn Văn Nghĩa về việc giao thầu thu lệ phí qua cầu phao hôn Lương Phúc. Hợp đồng ký kết có thời hạn 40 năm, đến ngày 13/5/2053 và được quyền thừa kế, chuyển nhượng.
Theo hợp đồng ký kết này, hộ gia đình ông Nghĩa bỏ 100% vốn đầu tư để xây dựng cầu phao giá trị 5,7 tỷ đồng để phục vụ nhân dân hai bên bờ sông đi lại, phát triển kinh tế.
Đối với các phương tiện phục vụ nhân dân trong và ngoài địa phương thông thương, phát triển kinh tế, mức thu lệ phí qua cầu với ô tô dưới 7 chỗ là 10.000 đồng/lượt, xe máy là 5.000 đồng/lượt và xe đạp là 2.000 đồng/lượt.
Hàng năm, hộ gia đình ông Nghĩa phải nộp 24 triệu đồng vào ngân sách của xã Việt Long. Cũng tại hợp đồng này, xã Việt Long cam kết đảm bảo đây là câu cầu duy nhất và không có cây cầu phao thứ hai trong địa phận xã Việt Long.
Cầu phao thu phí cao, người dân mong có cầu bê tông cốt thép
Trong khi đó, trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn khẳng định, huyện Sóc Sơn không quản lý cây cầu phao này cũng như không có hồ sơ thi công nào.
“Vào năm 2013, xã Việt Long có gửi UBND huyện hồ sơ về cầu phao qua sông Cà Lồ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, qua các buổi làm việc với UBND xã Việt Long thì xã chưa cung cấp được bất kỳ hồ sơ, giấy tờ thiết kế, thẩm định cũng như ý kiến của các Sở, ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Sở QH-KT… Do vậy, tại buổi làm việc ngày 25/7/2013, xã thống nhất với Phòng Quản lý đô thị huyện chưa triển khai xây dựng cầu phao qua sông Cà Lồ”- ông Thắng thông tin.
Tiếp theo đó, ngày 5/8/2013, Phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo, đề xuất với UBND huyện Sóc Sơn đề nghị xã Việt Long chưa có triển khai thi công cầu phao vượt sông Cà Lồ để hoàn thiện đúng thủ tục pháp lý và trình tự xây dựng.
“Từ đó đến nay, huyện Sóc Sơn cũng chưa có bất kỳ văn bản nào đồng ý cho phép xã Việt Long triển khai xây dựng cầu phao rồi tổ chức thu phí của người dân qua lại. Huyện cũng không có quyền hạn, chức năng làm được việc này”- ông Thắng cho biết, đồng thời thừa nhận, việc cầu phao Lương Phúc được xã Việt Long giao cho 1 hộ cá nhân xây dựng rồi tổ chức thu phí như hiện nay có trách nhiệm quản lý của Phòng còn buông lỏng, chưa sát.
“Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn quyết định thanh tra toàn diện việc xây dựng và thu phí phương tiện qua cầu phao Lương Phúc trên tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó” - ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn.
Ghi nhận tại cầu phao Lương Phúc, thôn Lương Phúc, xã Việt Long cho thấy, cây cầu được lắp ráp khá đơn giản, trụ cầu là các con thuyền được đổ bê tông, dầm cầu nối với nhau bằng những tấm sắt. Giữa cầu có trạm thu phí, các phương tiện qua lại đều phải nộp phí trực tiếp bằng tiền mặt, không có vé. Hộ gia đình ông Nghĩa trực tiếp thu phí phương tiện qua lại của người dân.
Anh Nguyễn Văn Đào, thôn Tăng Long, xã Việt Long cho biết: “Tôi qua lại đây từ những năm 2007 đến nay. Trước đây là cầu "khỉ" tạm được bắc bằng gỗ, rồi sau đó xây dựng cầu phao bằng sắt như hiện nay. Tôi làm việc ở Yên Phong, Bắc Ninh nên mỗi ngày trung bình đi về 4 lượt, mất 20.000 đồng. Nhưng đến mùa lũ là không đi qua cầu phao được nữa, phải đi vòng xa”.
Bác Nguyễn Văn Trọng ở xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh thông tin: “Hai vợ chồng tôi chạy chợ ở Sóc Sơn, nên ngày nào cũng đi về 2 lượt, vé qua cầu là 10.000 đồng. Nếu không qua cầu phao tạm này thì phải đi vòng rất xa”.
Bởi vậy, nên người dân hai bên sông Cà Lồ trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Yên Phong, Bắc Ninh đều mong muốn TP Hà Nội quan tâm, đầu tư xây dựng 1 cây cầu bê tông cốt thép để người dân hai bên bờ qua lại, giao thương phát triển kinh tế cũng như đảm bảo ATGT.
“Nếu được TP Hà Nội quan tâm xây dựng cầu bê tông cốt thép qua đây thì tốt quá, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế vừa để người dân đi lại đỡ vất vả, tốn kém. Khu vực Sóc Sơn có hàng nghìn công nhân làm việc bên KCN Yên Phong trong khi việc đi lại thì bất tiện như thế này”- anh Nguyễn Văn Đào bày tỏ.
Xã cũng không có hồ sơ nào về cầu phao
Trong khi đó, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long thừa nhận, năm 2013, xã có ký hợp đồng kinh tế giao thầu cho hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa được xây cầu phao và thu tiền của người dân qua lại. Còn về tính pháp lý cũng như chủ trương làm cầu phao lập BOT thu tiền có đúng thẩm quyền cấp xã hay không thì ông Quả xin không trả lời.
Về căn cứ, tổng chi phí xây dựng cầu phao hết 5,7 tỷ đồng dựa trên hồ sơ, giấy tờ nào thì ông Quả thông tin, xã cũng không có hồ sơ, phải hỏi chủ đầu tư. Hơn nữa, ông cũng mới nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch xã nên không nắm rõ.
Tuy vậy, tại buổi làm việc, ông Quả cũng khẳng định, người dân trên địa bàn xã Việt Long rất mong muốn được xây 1 câu cầu bê tông cốt thép để thuận tiện cho việc qua lại, phát triển kinh tế. Nội dung này cũng đã nhiều lần được cử tri kiến nghị trong các đợt tiếp xúc cử tri.