Sóc Sơn xử lý hai ổ dịch dại liên quan đến chó thả rông
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết đã ghi nhận hai ổ dịch dại liên quan đến chó thả rông, không rõ nguồn gốc tại xã Minh Phú và xã Hiền Ninh.
Ngày 25/7, một con chó không rõ nguồn gốc đã cắn một người trong thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, sau đó cắn tiếp hai người tại khu Việt Phủ Thành Chương ở thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh. Nhân viên tại khu này đã báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh gửi mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính vi rút dại.
Bốn ngày sau, tại thôn Nam Cương, xã Hiền Ninh, một con chó dại chạy rông đã cắn một người đi đường và sau đó vào nhà một người dân cắn chó nhốt trong chuồng. Đội bắt cho thả rông đã bắt con chó và gửi mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính vi rút dại.
Tính đến cuối tháng 7, huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 4 trường hợp người phơi nhiễm với hai con chó dại trên. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.
Trước tình hình đó, UBND huyện Sóc Sơn đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã thông báo tình hình dịch đến người dân trên địa bàn để xác minh nguồn gốc con chó, tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các ban ngành liên quan trong phòng chống bệnh dại.
Huyện yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông, bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông. Xã Hiền Ninh đã tiêm phòng vắc xin cho 3.720/4.020 con chó, mèo (đạt 92,54%); xã Minh Phú tiêm 3.280/3.491 con chó, mèo (đạt 93,96%).
Tại Sóc Sơn, 7 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật (chó), chó dại đã cắn/ tiếp xúc 27 người phải điều trị dự phòng.
Trao đổi với phóng viên Đài Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết: Bệnh dại rất nguy hiểm, nếu bị chó dại cắn và không được tiêm phòng, khi phát bệnh lên cơn dại thì gần như 100% người bệnh tử vong. Do vậy, để phòng chống bệnh dại tốt thì trước hết phải dự phòng tốt bệnh dại trên động vật.
Đối với người dân cần thực hiện nuôi chó, mèo theo đúng quy định của pháp luật hiện nay, phải xích nhốt và phải rọ mõm, có người dắt khi thả, báo ngay cho cán bộ thú y nếu thấy chó mèo có các biểu hiện bất thường như ốm, bỏ ăn, cắn người vô cớ, nước dãi chảy, tai rủ, đuôi cụp, nằm yên trong bóng tối, ủ rũ.
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hàng năm là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh dại. Và khi không may bị chó mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc với chó mèo bị dại phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng, sau đó đến ngay điểm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại.