Sóc Trăng, Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển

Ngày 21-9, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, Phạm Tấn Đạo cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện vừa ban hành bốn quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ký ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.

Sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đang đe đọa cuộc sống người dân.

Sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đang đe đọa cuộc sống người dân.

NDĐT - Ngày 21-9, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, Phạm Tấn Đạo cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện vừa ban hành bốn quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ký ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có bảy đoạn sạt lở nguy hiểm tại bảy huyện, thị xã, thành phố, gồm: huyện Mỹ Xuyên có đoạn bờ kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố; huyện Long Phú có đoạn sạt lở bờ sông rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt thuộc xã Hậu Thạnh. Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có đoạn bờ sông Hậu, khu dân cư Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1. Thị xã Vĩnh Châu gồm đoạn bờ sông Mỹ Thanh, khu vực ấp Phạm Kiểu, hạ lưu cống Vàm Trà Nho, ấp Tân Tĩnh thuộc xã Vĩnh Hiệp.

Trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, gồm đoạn bờ sông ở khóm 6, phường 4; khóm 6, khóm 7, phường 8; khóm 5, khóm 6, phường 7. Huyện Mỹ Tú sạt lở bờ sông đoạn ấp Tam Sóc B2, xã Mỹ Thuận, từ bến phà đến cầu Mỹ Phước; ấp Mỹ Thuận, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đoạn từ cầu kênh đê - Cầu Chùa; ấp Tân Thành, xã Long Hưng đoạn từ bến phà cũ đến kênh 1-5; đường 30-4, ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa đoạn từ cống thị trấn đến nhà hàng Hương Sen. Trên địa bàn huyện Kế Sách, đoạn bờ sông Cái Côn, xã Thuận Hòa; kênh An Mỹ, xã Nhơn Mỹ; kênh số 1, xã Ba Trinh, Kế An và Kế Thành; rạch Vọp thuộc xã Trinh Phú và bờ sông Hậu thuộc xã An Lạc Tây.

Trong các khu vực được công bố, có khu vực đặc biệt nguy hiểm ở đoạn bờ sông Rạch Vọp khu vực chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách và đoạn sạt lở bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Vọp khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng, huyện Long Phú. UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng sạt lở, cắm các biển báo hạn chế người dân lưu thông và ngủ lại qua đêm ở khu vực này; đồng thời, Ban quản lý dự án tỉnh cần phối hợp các sở, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất, bố trí kinh phí triển khai khẩn cấp dự án kè gia cố bảo vệ bờ bằng kè cừ ván bê-tông.

Đối với sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm có đoạn từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, ngành chức năng và chính quyền địa phương khi có tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn phải khẩn trương giúp dân thu hoạch nông sản và di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Ban quản lý dự án tỉnh phối hợp các sở, ngành khẩn trương đề xuất phương án, giải pháp xử lý khẩn cấp. Đối với đoạn từ cống số 2 đến cống số 4, tiếp tục tham mưu, đề xuất, triển khai khẩn cấp kè ngầm giảm sóng đánh vào thân đê; đồng thời, có biện pháp bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện chỉ còn 10 đến 20m và tạo bãi bồi, trồng tái tạo rừng phòng hộ, hạn chế sạt lở.

Tỉnh Sóc Trăng có hơn 72km bờ biển và hệ thống sông rạch chằng chịt với hơn 500km đường sông lớn, nhỏ. Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh đang diễn ra với mức độ, quy mô ngày càng nghiêm trọng, nhiều đoạn đê bao sông, đê biển trên địa bàn đã và đang có nguy cơ cao sạt lở.

Một điểm sạt lở bờ sông ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Một điểm sạt lở bờ sông ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Sạt lở bờ biển nghiên trọng khiến rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chỉ còn 10 - 20m.

Sạt lở bờ biển nghiên trọng khiến rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chỉ còn 10 - 20m.

* Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành Quyết định (số 1598/QĐ-UBND) về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ hai trong mùa mưa bão năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp như trên, sau khi công bố tình trạng tương tự để bảo vệ tuyến đê bờ biển tây của tỉnh.

Theo Quyết định 1598, ven bờ biển đông hiện có tám điểm sạt lở nghiêm trọng, khẩn cấp với tổng chiều dài gần 27km. Tình trạng sạt lở đã làm mất khoảng 17 nghìn ha rừng phòng hộ và đang uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ven bờ biển Đông.

Trong tám điểm sạt lở nghiêm trọng ven bờ biển Đông, tỉnh Cà Mau tập trung ưu tiên số một đối với việc thực hiện dự án đầu tư kè chống xoáy lở cửa biển Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển), với chiều dài 4.500m. Ở khu vực nêu trên, mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung quanh xã Đất Mũi, trụ sở xã Đất Mũi, Đồn Biên phòng Đất Mũi và nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao thế, trung thế, trạm y tế, trường học.

Các thứ tự ưu tiên tiếp theo lần lượt là: dự án xây dựng kè chống xoáy lở cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), với chiều dài 1.400m; dự án kè chống xoáy lở cửa biển Hố Gùi (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi); dự án kè chống xoáy lở bờ biển đoạn từ kênh Năm đến kênh Chùm Gọng (huyện Ngọc Hiển); dự án kè bờ biển đoạn từ kênh Chốn Sóng đến kênh Năm Ô Rô (huyện Ngọc Hiển), dài 4.000m; dự án kè ở cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển); dự án bờ kè khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); dự án kè đoạn từ kênh Năm đến kênh Ô Rô (huyện Ngọc Hiển).

Để thực hiện tốt việc xử lý tình huống khẩn cấp, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. Đồng thời, lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở nêu trên, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp.

Đối với Sở KH-ĐT, trách nhiệm phối hợp các sở, ngành liên quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi có trách nhiệm vận động người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thông báo cấm biển báo, rào chắn không cho phương tiện có tải trọng lớn, người không có trách nhiệm vào khu vực sạt lở. Đồng thời, bố trí lực lượng trực canh, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở ở những khu vực nguy hiểm.

Tỉnh Cà Mau có ba bề giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Trong đó, bờ biển Tây đã xây dựng được đê biển nhưng đang bị sạt lở nặng với tổng chiều dài hơn 57km. Nhiều đoạn bờ Tây bị sạt làm mất hết đay rừng phòng hộ, uy hiếp phá vỡ đê biển và xâm thực mặn vùng ngọt phía bắc của tỉnh. Với bờ biển đông, dù có chủ trương của Chính phủ nhưng tới nay, nơi đây vẫn chưa xây dựng được đê biển. Vì vậy, sạt lở năm sau luôn cao hơn năm trước.

Sóng biển làm hư hại rừng phòng hộ và làm xoáy lở loang lổ ven bờ biển đông tỉnh Cà Mau.

Sóng biển làm hư hại rừng phòng hộ và làm xoáy lở loang lổ ven bờ biển đông tỉnh Cà Mau.

NGUYỄN PHONG; HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41643402-soc-trang-ca-mau-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-sat-lo-bo-song-bo-bien.html