Sóc Trăng chủ động ứng phó với hạn, mặn

Trong chuyến làm việc và khảo sát thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng về công tác điều hành phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 - 2020, đồng chí Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)) đánh giá, Sóc Trăng đã chủ động ứng phó với hạn, mặn.

Thông qua chuyến đi thực tế lần này, nhìn thấy việc sản xuất rau màu, lúa, cây ăn trái và cả nguồn nước sinh hoạt của người dân được đảm bảo cung ứng đầy đủ trong mùa hạn, mặn, đặc biệt là một số địa phương đã xuống giống cho vụ mùa tiếp theo, đồng chí Lương Văn Anh rất phấn khởi và có những định hướng cho tỉnh Sóc Trăng về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi đi thực tế công trình mở mới tuyến đường ống dẫn nước phục vụ nước sinh hoạt cho hộ dân nông thôn tại xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Ảnh: Thúy Liễu

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi đi thực tế công trình mở mới tuyến đường ống dẫn nước phục vụ nước sinh hoạt cho hộ dân nông thôn tại xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Ảnh: Thúy Liễu

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, vụ Đông - Xuân (2019 - 2020), toàn tỉnh xuống giống hơn 201.000ha, trong đó đã thu hoạch 182.984ha, còn lại là các loại rau, màu. Theo đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn là 4.009ha, tập trung tại huyện Long Phú, nguyên nhân lúa bị thiệt hại do người dân không tuân thủ lịch xuống giống của ngành chuyên môn. Diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng không đáng kể, riêng về nước sinh hoạt có khoảng 26.572 hộ thiếu nước, nguyên nhân là do nguồn nước mặt (sông) bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác sử dụng.

Với các ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó hạn, mặn bằng cách đầu tư các công trình thủy lợi như nạo vét kênh nội đồng tạo nguồn tích trữ nước hay đóng mở cống ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với nguồn nước sinh hoạt cho người dân, ngành nông nghiệp chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tập trung nâng cấp, mở mới các tuyến ống đưa nước sạch nông thôn về tận nhà hộ dân xa tuyến ống bằng hình thức chở nước trực tiếp đến từng hộ trong lúc công trình đang triển khai, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Đi thăm cánh đồng lúa tại huyện Mỹ Tú đã xuống giống hơn 15 ngày và hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt dù trong thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, đồng chí Lương Văn Anh đánh giá rất cao sự chỉ đạo của Sóc Trăng từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là trong việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, như: việc đắp đập tạm điều tiết trữ ngọt, ngăn mặn và hơn hết là đã đảm bảo việc cung cấp nước phục vụ sản xuất thành công, cũng như việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân kịp thời, nhanh chóng tại các vùng khó khăn về nước trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn, không để người dân thiếu nước.

Thực tế qua chuyến đi, đồng chí Lương Văn Anh cho rằng: “Sóc Trăng đã làm rất tốt công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020. Để làm tốt hơn nữa công tác này, Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy các giải pháp đã áp dụng trong thời gian qua, cũng như chủ động sớm hơn nữa công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, tránh tình trạng vỡ đê bao; chuyển đổi các cây trồng thích ứng hạn, mặn. Bên cạnh đó, chủ động tích trữ nước từ hộ dân, thôn, xóm, xã có lượng nước dự phòng trong mùa hạn, mặn. Khi thời gian hạn, mặn kéo dài thì hoàn toàn chủ động được lượng nước, vì đồng bằng sông Cửu Long có lượng nước cần trong 1 năm chỉ khoảng 50 tỉ m3. Nếu hơn 20 triệu hộ dân, mỗi hộ có ao nhỏ chứa nước và với các phương tiện cung cấp nước tập trung, đắp các đê bao giữ nước ngọt thì hoàn toàn chủ động được nước dùng sản xuất và sinh hoạt cho mùa hạn, mặn…”.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-chu-dong-ung-pho-voi-han-man-36970.html