Sóc Trăng có hệ thống thủy lợi đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp
Thông tin đến đoàn công tác, đồng chí Trần Tấn Phương chia sẻ, tổng số cống thủy lợi do tỉnh quản lý 160 cái; chiều dài đê bao (đê sông, đê biển) 407km; kênh cấp I, cấp II liên huyện là 65 tuyến, chiều dài 1.040km, trạm bơm điện 124 trạm. Hệ thống cống và đê bao cùng các kênh thủy lợi đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, do tỉnh ở xa nên các tác động của cống không nhận thấy rõ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đối với một số địa phương vùng trũng của tỉnh, trong đó có xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm có một phần giáp Hậu Giang, qua theo dõi hằng năm kể từ khi công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, thời điểm mưa nhiều, một số diện tích đất canh tác lúa bị ngập trong nước, không thể thu hoạch được, phải hỗ trợ nông dân thu hoạch (năm 2022 diện tích ước 6.000ha và năm 2023 diện tích 2.400ha). Nguyên nhân, lúa bị ngập nước là khó tiêu thoát ra các cống, sông, kênh, rạch, bởi lượng nước tại hệ thống thủy lợi rất nhiều. Phía ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất đoàn công tác có những nghiên cứu cụ thể để thông tin cho ngành nắm rõ hơn.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Đoàn Doãn Tuấn - Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định, Sóc Trăng triển khai hệ thống thủy lợi rộng khắp, góp phần đảm bảo sản xuất cho người dân tại tỉnh. Thông qua các công trình thủy lợi trên, mùa vụ sản xuất của nông dân thuận lợi. Riêng với công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, đây là công trình trọng điểm quốc gia; do đó, để quản lý khai thác công trình hiệu quả, đoàn ghi nhận và sẽ tìm hiểu thông tin về các tác động của công trình tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, trong đó có Sóc Trăng, nhằm đưa ra giải pháp về khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình.