Sóc Trăng đẩy mạnh kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền

Để sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của tỉnh có 'chỗ đứng' trên thị trường, ngành Công thương tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2020, qua đó đã góp phần đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của tỉnh vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối giới thiệu sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành trong nước.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng của từng vùng miền. Đối với tỉnh Sóc Trăng, qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh và sự quan tâm tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các hộ kinh doanh - đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

Hội nghị “Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - tỉnh Sóc Trăng năm 2020” là một trong những hoạt động thiết thực của tỉnh và đã thành công tốt đẹp. Ảnh: QUANG BÌNH

Hội nghị “Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - tỉnh Sóc Trăng năm 2020” là một trong những hoạt động thiết thực của tỉnh và đã thành công tốt đẹp. Ảnh: QUANG BÌNH

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh, trong đó, có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao; sản phẩm chủ yếu tập trung vào các nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược; đồng thời đã đề nghị Trung ương xem xét, công nhận 8 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản có chất lượng nhưng chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và chưa thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Do vậy, Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2020 được tổ chức với sự tham dự của các cơ quan Trung ương, hơn 20 tỉnh, thành phố; đại diện các hiệp hội, ngành hàng; hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các vùng miền trên cả nước; cùng với sự có mặt của các doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn như: Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty CP VINAGREENCO (VGC), Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, siêu thị Tứ Sơn; đại diện các ngân hàng thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trạm dừng chân tại tỉnh Sóc Trăng.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra 2 phiên thảo luận về các giải pháp kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của các địa phương. Các diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất xoay quanh các vấn đề về: “Chính sách và giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu”, “Cơ hội và giải pháp kết nối, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực vào các hệ thống phân phối, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm”… Hội nghị lần này đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản. Tại đây, các nhà phân phối đã chia sẻ những tín hiệu thị trường, giới thiệu những tiêu chuẩn kinh tế và kỹ thuật để các sản phẩm, nhất là OCOP có thể xuất hiện. Kết quả tại hội nghị đã ký kết 14 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng với sở công thương các tỉnh, thành phố; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước; 34 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với 8 doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn. Song song đó, các hoạt động tìm kiếm đối tác, kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản và đại diện các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm diễn ra sôi nổi; đội ngũ mua hàng của các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất nhằm thiết lập các giao dịch, đưa ra những tín hiệu thị trường.

Trải nghiệm sản phẩm, trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất nhằm thiết lập các giao dịch, đưa ra những tín hiệu thị trường. Ảnh: QUANG BÌNH

Theo đồng chí Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, Hội nghị kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2020 đã tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình với các tỉnh, thành phố và các nhà phân phối lớn trên cả nước; nhiều biên bản hợp tác, xúc tiến quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của tỉnh Sóc Trăng trong các chương trình triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Hội nghị “Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - tỉnh Sóc Trăng năm 2020” là một trong những hoạt động thiết thực của tỉnh và đã thành công tốt đẹp. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, thành công của hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trên cả nước và hướng đến xuất khẩu; qua đó đã góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/soc-trang-day-manh-ket-noi-cung-cau-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-san-pham-ocop-va-dac-san-vung-mien-44011.html