Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông - Xuân

Trong vụ lúa Đông - Xuân (2024 - 2025), toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống với diện tích hơn 179.000ha, trong đó, diện tích canh tác lúa Đông - Xuân sớm khoảng 144.000ha. Nông dân đã tiến hành thu hoạch trước tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và diện tích còn lại đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ tập trung ở các địa phương: Trần Đề,Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm… Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa Đông - Xuân đã thu hoạch hơn 70.000/144.000ha và diện tích lúa còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 2/2025.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông - Xuân, năm 2024 - 2025. Ảnh: THÚY LIỄU

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Đông - Xuân, năm 2024 - 2025. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2024 - 2025, giá lúa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ vụ Đông - Xuân năm trước. Nếu như nông dân thu hoạch lúa Đông - Xuân trước tết Nguyên đán tầm 30 ngày thì giá lúa khá tốt, nhưng trong những ngày gần đến tết Nguyên đán thì giá lúa giảm nhiều, ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con canh tác lúa. Ông Nguyễn Văn Tới, ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành chia sẻ: "Trong vụ lúa Đông - Xuân thu hoạch trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, với diện tích lúa 3ha, tôi canh tác giống lúa ST25, lúa cho năng suất tốt, khoảng 7 tấn/ha, giá bán vào thời điểm đó là 12.200 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân sớm, tôi đã gieo sạ tiếp lúa Đông - Xuân muộn, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh".

Nếu như ông Tới thu hoạch lúa Đông - Xuân bán trước Tết có giá khá tốt, lợi nhuận cao, thì ông Thạch Ngọc Hùng, ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề đang trong giai đoạn thu hoạch lúa Đông - Xuân. Ông Hùng có diện tích trồng lúa gần 5ha, giống lúa gieo sạ năm nay là ST25, năng suất 6,5 tấn/ha, thấp hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 200kg/ha và giá bán cũng thấp hơn. Trong vụ Đông - Xuân năm 2023 - 2024, lúa ST25 sau thu hoạch bán với giá 11.000 đồng/kg thì trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2024 - 2025, giá lúa ở mức 8.800 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Lúa Đông - Xuân thu hoạch xong, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, ông Hùng sẽ tiến hành cải tạo đất để đến mùa vụ sẽ xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2025, dự kiến vào ngày mùng 5/5 âm lịch.

Lúa Đông - Xuân muộn 2024 - 2025 đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng nên bà con tích cực chăm sóc và thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: THÚY LIỄU

Lúa Đông - Xuân muộn 2024 - 2025 đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng nên bà con tích cực chăm sóc và thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là hộ có diện tích lúa Đông - Xuân thu hoạch sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Trần Xai, ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề cho biết: "Trong vụ lúa Đông - Xuân này, nếu ai canh tác giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa đặc sản, cao sản sẽ bán được giá tốt hơn so với canh tác các giống lúa thường. Tôi canh tác giống lúa thơm trên diện tích đất 5,5ha, năng suất 6,5 tấn/ha, giá bán 6.200 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 30 triệu đồng/ha. Mức giá này thấp hơn giá so với cùng kỳ năm trước, năm rồi tôi bán lúa RVT là 8.500 đồng/kg. Như vậy, chênh lệch về giá bán là 2.300 đồng/kg lúa, lợi nhuận giảm xuống khá nhiều. Để vụ lúa Hè - Thu có giá tốt hơn, tôi sẽ xuống giống lúa RVT".

Theo thông tin từ ngành chuyên môn, diện tích lúa Đông - Xuân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ và dự kiến thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 2 này. Riêng với các địa phương có diện tích lúa Đông - Xuân muộn như: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị thì người dân đang tích cực chăm sóc lúa để thu hoạch trong tháng 4, 5 tới. Khi thu hoạch dứt điểm lúa Đông - Xuân, các địa phương sẽ gieo sạ vụ lúa Hè - Thu năm 2025, dựa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh để xuống giống cho phù hợp điều kiện từng vùng.

Hiện tại, diện tích lúa Đông - Xuân muộn trên địa bàn tỉnh khoảng 35.000ha, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Để bảo vệ lúa canh tác an toàn, tránh dịch bệnh, đặc biệt là xâm nhập mặn đang diễn biến gay gắt và ngày càng tiến sâu vào nội đồng như hiện nay, đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo các địa phương và nông dân chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2024 - 2025. Đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng của xâm nhập mặn (khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt) khuyến cáo nông dân không được xuống giống Đông - Xuân muộn. Khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhật diễn biến độ mặn qua một số app như: Nguồn nước Cửu Long, Thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, Mekong Rynan. Vận động nông dân gia cố bờ bao, cống bọng, không để nước mặn xâm nhập, khi cần sử dụng nước phải kiểm tra kỹ độ mặn trước khi đưa nước vào ruộng, tránh làm đất nhiễm mặn. Trên cây lúa có thể sử dụng nước có độ mặn dưới 1‰ ở giai đoạn lúa đẻ nhánh để bơm tưới, tránh cho mặt ruộng bị khô nứt, nhưng không được giữ lâu trong ruộng, khi có nguồn nước ngọt phải cho nước mới vào thay thế. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như 1 phải, 5 giảm, đặc biệt áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… các quy trình sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Bổ sung một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn, phân chứa các nguyên tố Ca, Mg, Si…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202502/soc-trang-ay-nhanh-tien-o-thu-hoach-lua-ong-xuan-57d1f40/