Sóc Trăng: Đồng bào Khmer đón Lễ Sene Dolta trong niềm vui trọn vẹn
Những ngày qua, bà con dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đang tất bật chuẩn bị đón Lễ Sene Dolta trong niềm vui được mùa lúa, nhiều hộ dân nghèo được hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp.
Sóc Trăng hiện có trên 400.000 người dân tộc Khmer, chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Đây cũng là nơi có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất cả nước.
Những ngày qua, bà con dân tộc Khmer đang tất bật chuẩn bị đón Lễ Sene Dolta (Lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) được tổ chức trong ba ngày từ 13-15/10.
Niềm vui được mùa
Ông Lâm Sơn Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), cho biết toàn xã có trên 20.000 nhân khẩu; trong đó, trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Đồng bào ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng rau màu và lúa). Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong triển khai các chính sách hỗ trợ, bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,6%, hộ cận nghèo giảm còn 1% so với tổng dân số toàn xã.
Ông Trần Tĩnh (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ nhờ sản xuất lúa và rau màu được mùa, được giá, hầu hết bà con dân tộc Khmer ở địa phương đều phấn khởi đón lễ Sene Dolta năm 2023 sung túc và đầm ấm.
Đón lễ Sene Dolta năm 2023, gia đình ông Lâm Ở (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) rất phấn khởi bởi vụ lúa Hè Thu năm 2023 đạt năng suất và giá lúa cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Lâm Ở cho biết vụ lúa Hè Thu năm 2023, gia đình sản xuất 3 ha lúa giống OM 18. Giá lúa cao hơn so với cùng kỳ mọi năm từ 700-1.000 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng), cộng với năng suất đạt khá nên trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình thu lợi trên 100 triệu đồng.
“Được chính quyền địa phương đầu tư đê bao khép kín, có trạm bơm điện nên việc sản xuất lúa của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận. Đón lễ Sene Dolta năm nay, bà con nơi đây rất vui, phấn khởi" - ông Lâm Ở chia sẻ.
An cư lạc nghiệp
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng được chủ trương xây dựng 1.200 căn nhà ở do Bộ Công an hỗ trợ. Điều này đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer an cư lạc nghiệp.
Bên trong căn nhà khoảng 40m2, mái lợp tôn, có vách bằng tấm EPS (vật liệu dùng làm vách cách âm, cách nhiệt), các thành viên trong gia đình ông Kim Sol (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) cười nói vui vẻ.
Ông Kim Sol chia sẻ: “Hơn 30 năm lập gia đình, năm nay, vợ chồng tôi mới được ở trong căn nhà kiên cố do Bộ Công an hỗ trợ. Có nhà mới, vợ chồng tôi sẽ lo làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.”
Cùng chung niềm vui đón lễ Sene Dolta, anh Liên Hải (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ do bị tai nạn lao động, chân của anh không đi lại được, không còn khả năng lao động. Cuộc sống gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn thu nhập của vợ từ công việc làm thuê, với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Khi được Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà mới kiên cố và chắc chắn, gia đình anh an tâm và hy vọng tương lai.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh hỗ trợ nhà ở từ Bộ Công an cho đồng bào dân tộc Khmer khó khăn về nhà ở, năm 2023, Ban đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025).
Địa phương đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Các hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng đều phát huy hiệu quả trong phục vụ sản xuất; từ đó, tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ gần 26.900 hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 2.800 hộ; vận động xã hội hóa nguồn lực xây nhà cho hộ nghèo 3.496 căn nhà (trong đó, trên 1.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer).
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm.
Công tác giáo dục-đào tạo được nâng lên, hệ thống trường dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết địa phương luôn quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh.
Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành và các địa phương luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc, nắm sát tình hình và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025).
Địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương, vốn của tỉnh theo kế hoạch phân bổ của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định giao vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo đúng quy định và hiệu quả, đúng tiến độ, với các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của bà con vùng bào dân tộc Khmer đã ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh-quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc”./.