Sóc Trăng: Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ đặc sản vùng miền
Ngày 27/10, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị 'Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020'.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, chương trình mỗi xã một sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490 ngày 7/5/2018, trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, thời gian qua, Chương trình OCOP đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Riêng tại Sóc Trăng, qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, tỉnh đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; trong đó, có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao; tỉnh đã đề nghị Trung ương xem xét, công nhận 8 sàn phẩm đạt hạng 5 sao…", ông Chuyện cho biết.
Phát huy các thế mạnh có nhiều đặc sản, sản phẩm chất lượng cao như: các loại gạo đặc sản ST, tài nguyên, sữa; hành tím Vĩnh Châu; bánh Pía, lạp xưởng; tôm đông, trái cây các loại (bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa, dừa, cam,… đặc biệt, gạo ST25 của Sóc Trăng đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019.
Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát triển thương mại của tỉnh, nhất là trong thực hiện giải pháp: “Cùng các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của các vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và hệ thống phân phối lớn trên cả nước và xuất khẩu”. Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, định hướng quý giá về cơ chế chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, chủ lực của các địa phương, vùng miền; chia sẻ về nhu cầu kết nối sản phẩm hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước. Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, thông qua hội nghị lần này, tỉnh, ngành công thương cũng như các doanh nghiệp đã ký kết được nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác như ký biên bản ghi nhớ kết nối cung cầu, liên kết sản xuất giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước; biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước; giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất với hệ thống phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền… Tại hội nghị, đã có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được ký kết; ký kết 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết 34 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với 8 doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn trong hệ thống phân phối toàn quốc./.