Sóc Trăng: Khu Công nghiệp An Nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Người dân xung quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp vô cùng bức xúc khi cuộc sống bị xáo trộn và ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.
Gần một tháng qua, cuộc sống và sản xuất của người dân ở gần Khu Công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bị xáo trộn và ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.
Theo chia sẻ của ông Danh Dân (ở xã An Hiệp), hộ dân có nhà ở cạnh kênh 30/4 đang bị ô nhiễm, cứ cách vài ngày, Khu Công nghiệp này lại xả nước một lần. Mỗi lần xả, cuộc sống của gia đình ông lại bị xáo trộn.
"Cứ mỗi lần xả như vậy, mấy đứa cháu trong nhà phải đem đi gửi nhờ người quen, không dám cho ở nhà. Mùi thối vậy người lớn mình còn không chịu nổi, trẻ nhỏ sao chịu được. Ở gần chỗ ô nhiễm này lâu chắc bệnh chết quá. Giờ, chỉ mong các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết sao cho dứt điểm tình trạng ô nhiễm này để người dân có được cuộc sống bình thường lại," ông Danh Dân cho biết thêm.
Ông Lý Bình ở xã Phú Tân cho biết tình trạng nước ô nhiễm này diễn ra thường xuyên, một tháng vài lần. Nhất là những lúc kênh cạn, nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh vào sáng sớm. Lúc trước, người dân còn sử dụng nước kênh để sinh hoạt, còn bây giờ không ai dám. Người dân đã báo lên chính quyền nhưng không có sự thay đổi.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, công suất của nhà máy xử lý nước thải tập trung trong Khu Công nghiệp An Nghiệp là 10.000m3/ngày.
Tuy nhiên, lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp về nhà máy xử lý hiện lên đến gần 12.000m3/ngày, vượt công suất thiết kế nên có những thời điểm, nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn, ảnh hưởng đến một số tuyến kênh nội đồng giáp Khu Công nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 7/2020, đặc biệt là tháng 8/2020, lượng xả thải của 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Khu Công nghiệp An Nghiệp tăng cao, doanh nghiệp có mức xả thải tăng ít nhất là 36% và cao nhất là gần 100%.
Do đó, lượng nước thải tiếp nhận về nhà máy xử lý nước thải tập trung tăng lên đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường chưa đạt quy chuẩn, do đó gây ra tình trạng ô nhiễm.
Qua kiểm tra cho thấy do lượng nước thải tăng đột biến, nhà máy xử lý nước thải không chuẩn bị được các phương án xử lý, làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh, ảnh hưởng đến lượng nước thải đầu ra và làm đen một số tuyến kênh nội đồng giáp với khu Công nghiệp.
Theo ông Hà Thế Vũ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ môi trường An Nghiệp, trước mắt, để xử lý tình trạng ô nhiễm (đen và hôi), Công ty dùng vôi để khử mùi và lắng nước bề mặt. Đồng thời, thiết kế máy bơm hút bùn đen tích tụ ở đáy để giảm thiểu ô nhiễm.
Cùng đó, Công ty đang lắp đặt bể xử lý nước thải trên đoạn kênh Thẻ 25 chiều dài 160 mét, với công suất 2.000 m3/ngày.
Dự kiến đến đầu tháng 10/2020 đưa vào sử dụng, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung lên 12.000 m3/ngày, đáp ứng lưu lượng nước thải hiện nay của các doanh nghiệp.
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp đã tổ chức họp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản có lượng xả thải tăng đột biến nhằm có hướng điều chỉnh lại sản xuất cho phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng doanh nghiệp đã đăng ký trước đây.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm trong Khu Công nghiệp An Nghiệp, ngày 16/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ngành.
Theo ông Trần Văn Chuyện, việc quá tải nhà máy xử lý nước thải hiện nay là một thực tế. Điều quan trọng nhất là tìm hướng khắc phục và hướng đến việc nâng công suất. Đặc biệt là trong quãng thời gian nâng công suất xử lý nước thải, phải tìm được giải pháp căn cơ, không được xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Trong, Giám đốc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết giải pháp căn cơ và lâu dài để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đến năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ môi trường An Nghiệp phải thực hiện dự án nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung từ 10.000 m3 lên 20.000 m3/ngày.
Để thực hiện, Công ty phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, lập hồ sơ thuê đất làm cơ sở thiết kế, chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ có một số doanh nghiệp chế biến thủy sản di dời nhà máy vào Khu Công nghiệp An Nghiệp, lượng xả thải sẽ tăng lên, do đó, cần có giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề xả thải, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, vừa không làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã yêu cầu xem xét thực tế, tính toán đến vấn đề nâng công suất; trước mắt phải xử lý lượng nước dôi dư, không được xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân./.