Sóc Trăng kiến nghị giải quyết những khó khăn do hạn, mặn và sạt lở

Ngày 30-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tại điểm cầu Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cùng tham dự.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 chuyển biến tích cực, là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch, khẳng định vai trò là năm bứt phá trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Kết quả nổi bật là GDP đạt mức tăng ấn tượng, cả năm ước đạt 7,02%, cao hơn mức tăng của các năm 2011 - 2017, là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2011 GDP tăng trên 7%.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng.

Các ngành, lĩnh vực phát triển tích cực, ổn định trong bối cảnh khó khăn, trong đó khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao (11,29%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Năm 2019 cũng là năm đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 6,7%. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi. Doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 138.000 doanh nghiệp, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có nhiều chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục và đào tạo.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2019, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương không chủ quan, thỏa mãn vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự chỉ đạo phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019.

Đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tham luận với hội nghị.

Đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tham luận với hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị, năm 2020 cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, về phát triển kinh tế, cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản và có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn các chương trình, kế hoạch cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt hơn các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém khác.

* Trong phiên thảo luận sáng ngày 31-12, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết, năm 2019, tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện vượt 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt nghị quyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 7,3%. Vừa qua, sự kiện gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là niềm vui của ngành nông nghiệp và mở ra cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ, năm 2019, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ và xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công và phấn đấu đến năm 2020 xóa hộ nghèo trong các gia đình chính sách.

Báo cáo với Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên những khó khăn hiện nay của tỉnh. Theo đó, tình hình xâm nhập mặn diễn ra ngày càng sớm và sâu, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn nông dân xuống giống lúa sớm nhưng tình hình xâm nhập mặn diễn biến nhanh và cần Chính phủ có giải pháp quan tâm hỗ trợ. Về sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh cũng cần được Trung ương sớm bố trí vốn sạt lở khẩn cấp. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương sớm hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho các dự án nhiệt điện Long Phú 2, Long Phú 3.

Thiện Hải

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/thoi-su/soc-trang-kien-nghi-giai-quyet-nhung-kho-khan-do-han-man-va-sat-lo-33922.html