Sóc Trăng liên kết mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đã ký kết hơn 30 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối, chợ đầu mối trong cả nước.
Ngày 22/11, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cung ứng, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố đã trao đổi trực tiếp các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà phân phối ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước về giá cả, hình thức thanh toán, thủ tục kinh doanh, phát triển sản phẩm đặc trưng riêng vùng miền.... Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ký kết hơn 30 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối, chợ đầu mối trong cả nước.
Ông Phan Đình Xuân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đến với hội nghị lần này, hợp tác xã có 3 sản phẩm trà là Trà Xuân Sang, Trà Bồ Công Anh, Trà Hoa đu đủ để giới thiệu cho các doanh nghiệp và nhà phân phối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm được nhà phân phối đánh giá cao, sẵn sàng hợp tác trong thời gian tới. Theo ông Xuân, hội nghị là cơ hội để hợp tác xã có dịp gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Minh, Cơ sở yến sào Ngọc Minh (tỉnh Bạc Liêu) cho hay, hiện tại sản phẩm yến sào của cơ sở đã có mặt từ Bắc vào Nam, thời gian qua, việc sản xuất, mua bán cũng đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, hoạt động còn nhỏ lẻ. Ông Minh cho rằng, hội nghị là dịp gặp gỡ những đối tác và nhà sản xuất kinh doanh yến sào và các sản phẩm khác, từ đó tạo động lực cho cơ sở phát triển trong thời gian tới; đồng thời, kiến nghị ngành chức năng cần có cơ chế, tạo nguồn lực để các cơ sở sản xuất yến sào nhỏ lẻ trong khu vực Tây Nam bộ phát triển mạng lưới kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Công, Cơ sở sản xuất chanh leo ngọt Sáu Công (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, đến với hội nghị lần này ông trao đổi với Siêu thị Coop-Mart Sóc Trăng để bán chanh leo ngọt, hiện hai bên đã thống nhất và tiến tới sẽ làm các thủ tục kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Công thông tin, hiện gia đình đang sản xuất 1,5 ha chanh leo ngọt (chanh dây ngọt); trong đó có 0,5 ha đang cho trái và 1 ha đang chuẩn bị cho trái. Hiện tại mặt hàng chanh leo ngọt đang được thị trường ưa chuộng. Ông Công cho biết thêm, hiện Huyện ủy, UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã chỉ đạo ngành chuyên môn quy hoạch và phát triển vùng trồng chanh leo ngọt ở địa phương và tiến tới hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết thị trường tiêu thụ ổn định nhằm tăng thu nhập cho nông dân ở địa phương.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, qua triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã công nhận 184 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 100 chủ thể của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó đã có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao (gạo ST24), 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 172 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ông Võ Văn Chiêu thông tin, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản chủ lực của tỉnh Sóc Trăng được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm hàng hóa vào tiêu thụ tại các thị trường. Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và cơ sở sản xuất đã nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập, liên kết mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, hội nghị lần này diễn ra rất thành công, đây sẽ là dịp các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm của mình với các nhà phân phối để trao đổi thông tin, ký kết hợp tác ghi nhớ để liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.