Sóc Trăng: Siết chặt quản lý chất lượng vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng nên nhu cầu sử dụng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng là rất lớn. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm vật tư nông nghiệp dùng trong nuôi trồng thủy sản được các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra

Thức ăn, thuốc thú y là một trong những vật tư quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, giá vật tư thủy sản luôn ở mức cao, giá tôm nguyên liệu lại biến động liên tục. Nếu người dân mua và sử dụng nhầm những vật tư giả, kém chất lượng thì ảnh hưởng không nhỏ đến vụ nuôi. Cùng với đó, vật tư thủy sản có rất nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau do nhiều công ty, doanh nghiệp cung cấp nên khó tránh khỏi việc một số đối tượng lợi dụng trà trộn những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu thông ngoài thị trường. Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra thức ăn thủy sản tại một đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra thức ăn thủy sản tại một đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khương - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

Trong 9 tháng năm 2024, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 4 cuộc thanh tra, trong đó có 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2 cuộc thanh tra đột xuất về lĩnh vực kinh doanh thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã thực hiện thanh tra 45 tổ chức, cá nhân kinh doanh thủy sản, lấy 20 mẫu để thử nghiệm chất lượng. Kết quả có 6 mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường không đạt chất lượng, qua đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 213 triệu đồng.

Cùng với đó, công tác chống gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động kinh doanh thức ăn và thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản được Cục Quản lý thị trường tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 24 vụ với tổng số tiền thu phạt trên 122 triệu đồng.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng; kinh doanh hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng hàng hóa trên nhãn hàng hóa; lưu thông thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản khi chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng…

Đẩy mạnh tuyên truyền

Xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chất cấm trong nuôi trồng thủy sản… là một trong số các giải pháp được các ngành chức năng tỉnh quan tâm thời gian qua và đã mang lại những kết quả tích cực.

Bắt đầu kinh doanh vật tư thủy sản từ năm 2017 đến nay, anh Lâm Thành Lâm - chủ đại lý thức ăn, thuốc thủy sản Trúc Lam, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) luôn thận trọng trong kinh doanh để đảm bảo quyền lợi, uy tín cho chính mình và khách hàng. Theo anh Lâm, tất cả sản phẩm được bán tại đại lý đều thông qua các công ty lớn, có uy tín trên thị trường. Khi nhập hàng, anh yêu cầu công ty phải cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, anh thường xuyên kiểm tra các sản phẩm trên hệ thống của Cục Thủy sản, xem có được phép lưu hành chưa, tránh kinh doanh nhầm sản phẩm cấm, sản phẩm kém chất lượng.

Chủ đại lý thức ăn, thuốc thủy sản Trúc Lam, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tra cứu sản phẩm trên hệ thống của Cục Thủy sản. Ảnh: HOÀNG LAN

Chủ đại lý thức ăn, thuốc thủy sản Trúc Lam, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tra cứu sản phẩm trên hệ thống của Cục Thủy sản. Ảnh: HOÀNG LAN

Với kinh nghiệm hơn 10 năm buôn bán vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản, anh Đào Văn Tâm - chủ đại lý thức ăn, thuốc thủy sản Ngân Nguyễn, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc. “Mỗi khi nhập sản phẩm mới, tôi tự kiểm tra sản phẩm bằng mắt thường (thông qua màu sắc, hình dạng…) và sử dụng trực tiếp cho các ao nuôi tôm của gia đình để kiểm chứng hiệu quả. Nhờ đó, người dân địa phương rất tin tưởng khi sử dụng sản phẩm do đại lý cung cấp” - anh Đào Văn Tâm thông tin. Hiện đại lý Ngân Nguyễn kinh doanh đa dạng các mặt hàng từ thức ăn, khoáng chất, vi sinh… Tất cả đều được phép lưu hành trên thị trường theo quy định.

Qua đó, có thể thấy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh cũng như hướng dẫn họ cách tra cứu các sản phẩm trên hệ thống để biết được xuất xứ nguồn gốc sản phẩm… là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với vật tư thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật thì vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi nhuận, tìm mọi cách tuồn ra thị trường những sản phẩm “dỏm”. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền thì các ngành chức năng cần có giải pháp hiệu quả quản lý chất lượng vật tư thủy sản.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và lấy mẫu thử nghiệm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường… Nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh kém chất lượng sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, gửi thông báo cho cơ quan chức năng nơi sản xuất để truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian tới đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm thông tin, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn bán vật tư thủy sản giả, không đảm bảo chất lượng… Bên cạnh đó, tùy theo tình hình thực tế, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch và phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra chuyên đề đối với các mặt hàng vật tư thủy sản trên địa bàn tỉnh, quyết tâm ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và các cơ sở kinh doanh chân chính.

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chất lượng vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, góp phần đảm bảo ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/202410/soc-trang-siet-chat-quan-ly-chat-luong-vat-tu-dung-trong-nuoi-trong-thuy-san-f4d3dd4/