Sóc Trăng tích cực xuống giống và chăm sóc lúa Hè - Thu

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024, Sóc Trăng sẽ xuống giống lúa chia thành 3 đợt (tùy theo điều kiện của từng địa phương), đợt 1 bắt đầu xuống giống vào đầu tháng 4 và kết thúc đến cuối tháng 6/2024. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống lúa Hè - Thu được 108.394/139.360ha kế hoạch và theo đúng khuyến cáo diện tích còn lại, sẽ xuống giống dứt điểm vào ngày 30/6.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ lúa Hè - Thu năm 2024, nông dân canh tác lúa cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, công nghệ sinh thái, hướng hữu cơ, GAP... để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác điều tra, dự báo tình hình dịch hại, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch hại trên lúa như rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá... kịp thời và hiệu quả.

Trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024, huyện Long Phú có kế hoạch xuống giống với diện tích 15.900ha, thời gian xuống giống từ ngày 1/5 và sẽ kết thúc trước ngày 30/6. Hiện tại, toàn huyện đã xuống giống hơn 10.000ha, đúng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh. Theo đó, nông dân nên sử dụng giống cấp xác nhận, ưu tiên các giống lúa có phẩm chất cao, năng suất ổn định, có khả năng chống chịu phèn, mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường như: OM18, OM5451, OM380, Đài Thơm 8, RVT, nhóm lúa ST…

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú thông tin, để vụ lúa Hè - Thu trên địa bàn huyện thành công, huyện đã tiến hành nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng; duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi xung yếu. Tuyên truyền hộ dân trước khi xuống giống cần thực hiện cày ải, phơi đất; rửa phèn, mặn, đặc biệt là các ruộng sản xuất lúa vụ Đông - Xuân muộn (2023 - 2024); gia cố bờ bao, san phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát phèn nhằm hạn chế tối đa tình trạng chết giống. Gieo sạ tập trung, đồng loạt, né rầy; áp dụng kỹ thuật sản xuất “1 phải, 5 giảm”, theo hướng hữu cơ nhằm cải thiện môi trường đất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thường xuyên thăm đồng, dự báo tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn nhằm chủ động ứng phó kịp thời.

Nhiều diện tích lúa Hè - Thu năm 2024 xuống giống từ tháng 4/2024 đang phát triển tốt, được nông dân tích cực chăm sóc. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhiều diện tích lúa Hè - Thu năm 2024 xuống giống từ tháng 4/2024 đang phát triển tốt, được nông dân tích cực chăm sóc. Ảnh: THÚY LIỄU

Để đảm bảo cho vụ lúa Hè - Thu năm 2024 đạt được năng suất, sản lượng theo các chỉ tiêu nghị quyết thị xã đã đề ra trong năm, thị xã Ngã Năm đã chủ động duy tu, sửa chữa các trạm bơm điện để phục vụ bơm tát tại các cánh đồng lúa. Cùng với đó, phối hợp với Ban Quản lý cống Âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu (cống ngăn mặn, giữ ngọt) điều tiết nước mặn xâm nhập trên tuyến sông Quản lộ Phụng Hiệp để đảm bảo việc xuống giống đúng tiến độ. Tuy nhiên, so cùng kỳ các năm trước, trong vụ lúa Hè - Thu năm nay, thị xã xuống giống sớm hơn 20 ngày để tránh thời tiết mưa dông ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ. Theo đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, vụ lúa Hè - Thu này, thị xã khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa sản xuất chính như: ST24, RVT, Đài Thơm 8 và nhóm giống thơm nhẹ. Đến nay, thị xã đã xuống giống dứt điểm lúa Hè - Thu.

Là địa phương có diện tích gieo trồng lúa lớn của tỉnh, huyện Thạnh Trị có kế hoạch xuống giống lúa Hè - Thu là 23.460ha và huyện đã xuống giống dứt điểm diện tích lúa trên toàn huyện. Theo đồng chí Trần Trang Nhã - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị, vụ lúa Hè - Thu năm nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường sử dụng giống xác nhận canh tác, ưu tiên sử dụng các giống lúa đặc sản, lúa thơm, thơm nhẹ và nhóm giống lúa chất lượng cao, với các giống lúa là nhóm lúa ST, RVT, Đài Thơm 8, 0M5451, OM18… Đối với các cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp phải ưu tiên chọn cơ cấu giống theo hợp đồng với doanh nghiệp, để đảm bảo đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo nông dân trong canh tác lúa cần phải sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, sạ thưa, sạ theo hàng, sạ cụm… nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Thường xuyên, theo dõi tình hình dịch hại để chủ động phòng trị kịp thời và đạt hiệu quả.

“Trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024, huyện đã xuống giống 18.779/22.900ha kế hoạch. Là địa phương vùng trũng, vụ lúa Hè - Thu có nhiều mưa, do đó để mùa vụ canh tác thuận lợi ngay từ đầu mùa khô, huyện đã tiến hành công tác nạo vét các tuyến kênh chính và các kênh nội đồng để đảm bảo việc tưới và tiêu thoát nước. Đồng thời, huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về canh tác lúa dành cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tại các địa phương trên địa bàn toàn huyện. Tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên lúa, khuyến cáo nông dân cách phòng trị hiệu quả và triển khai công tác hỗ trợ các hợp tác xã lúa trong khâu liên kết sản xuất”, đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú chia sẻ.

Theo đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh, vụ lúa Hè - Thu năm 2024, các địa phương xuống giống theo đúng tiến độ và đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Để vụ lúa Hè - Thu của tỉnh thành công tốt đẹp, các địa phương cần thực hiện các giải pháp trọng tâm, đó là tăng cường dự báo tình hình thời tiết, thủy văn và thông tin kịp thời để nông dân biết, chủ động trong gieo sạ và chăm sóc lúa. Đối với các vùng canh tác lúa ảnh hưởng xâm nhập mặn ở các huyện Long Phú, Trần Đề, thành phố Sóc Trăng, một phần huyện Kế Sách, Châu Thành và Mỹ Xuyên, sau khi thu hoạch lúa Đông - Xuân muộn, tranh thủ khi có nguồn nước ngọt bơm vào ruộng làm đất sớm, chú ý rửa phèn và mặn thật kỹ trước khi xuống giống bằng cách bơm nước ngọt vào ruộng 2 - 3 lần, sau đó bón vôi từ 300 - 500kg/ha, ngâm rồi xả rửa lại, tiến hành đo độ mặn nhỏ hơn 1‰ và pH đất từ 5,5 - 7 thì mới được xuống giống. Đảm bảo thời gian cách ly giữa hai vụ ít nhất 15 - 20 ngày, sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh rơm rạ. Bón lót lân, phân hữu cơ, chế phẩm humic để giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh.

Sử dụng giống cấp xác nhận, cứng cây thích hợp với điều kiện thời tiết mưa bão của vụ Hè - Thu. Giảm lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ, cấy để giảm giống hiệu quả. Gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy theo từng khu vực, từng địa phương trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn. Áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, giảm lượng phân đạm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo tồn đa dạng sinh học.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-tich-cuc-xuong-giong-va-cham-soc-lua-he-thu-74066.html