Sóc Trăng triển khai các hoạt động của Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh
Ngày 31/7, tại Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Ban Quản lý Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng (DA GIC) (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở.
Tại hội nghị, Ban Quản lý Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng thông tin các hoạt động của dự án trong năm 2024. Cụ thể, Ban Quản lý Dự án sẽ tổ chức 40 lớp tập huấn cho các thành viên, hội đồng quản trị, ban giám đốc hợp tác xã sản xuất lúa về phương thức kinh doanh; tổ chức 25 lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn cho hợp tác xã, người dân về xử lý rơm rạ và tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ (biện pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm; quy trình ủ phân hữu cơ; ủ chua nuôi bò; thu gom rơm, kinh doanh rơm rạ...), nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng kế hoạch và các phương án sản xuất, kinh doanh cũng như cách thức tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã sản xuất lúa gạo. Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh và kinh doanh nâng cao cho nông dân.
Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng cho biết, thông qua kế hoạch triển khai các lớp tập huấn của Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh trong năm 2024, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh, kinh doanh nâng cao cho nông dân ở các hợp tác xã sản xuất lúa gạo, góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống của các nông hộ tham gia dự án. Nâng cao năng lực kinh doanh, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của hợp tác xã cho thành viên, hội đồng quản trị, ban giám đốc các hợp tác xã lúa gạo. Nâng cao năng lực người dân về xử lý rơm rạ và tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...