Sóc Trăng xây dựng liên kết chuỗi giá trị cá đồng
Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng dự thảo Dự án 'Phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng'.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện mô hình nuôi cá đồng kết hợp trong ruộng lúa tại vùng trũng là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi vụ lúa Thu Đông sang những mô hình cây trồng, vật nuôi khác để nâng cao hiệu quả cho bà con. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu vực vùng trũng. Đặc biệt là kết hợp nuôi những loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, phát triển chuỗi giá trị nhằm tăng lợi nhuận trên một cùng một diện tích đất nông nghiệp.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng dự thảo Dự án “Phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng”. Dự án được xem động lực quan trọng để các địa phương vùng trũng phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, đưa hoạt động nuôi cá nước ngọt trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
Tại Sóc Trăng, nhiều địa phương vùng trũng (đất thấp) như thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Châu Thành… thường xuyên chịu ngập úng vào mùa mưa, việc sản xuất lúa gặp khó khăn. Từ điều kiện tự nhiên đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển mô hình thủy sản nước ngọt như, nuôi cá lúa, cá đăng quầng, sơ chế cá mắm trong mùa nước dâng nhằm tăng thu nhập cho nông hộ.
Gần 5 ha đất sản xuất lúa của anh Nguyễn Cao Đồi (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), không sản xuất vụ lúa Thu Đông 2024, thay vào đó thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng (bao lưới xung quanh ruộng lúa dự trữ cá thiên nhiên). Anh Nguyễn Cao Đồi cho biết, gia đình thực hiện mô hình này gần 10 năm qua, trung bình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với sản xuất lúa vụ Thu Đông. Mô hình này, chi phí đầu tư thấp (chi đầu tư lưới bao xung quanh ruộng), nông dân chỉ tốn công quản lý vào ban đêm.
Theo ông Võ Văn Bé, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương có diện tích sản xuất lúa trên 18.500 ha, trong năm chỉ làm 2 vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu (bắt đầu sản xuất từ tháng 11 đến cuối tháng Bảy năm sau). Do địa hình vùng trũng nên hầu hết từ tháng 7 - 10 hàng năm mực nước nội đồng khá cao nên nhiều nông dân tận dụng phát triển thủy sản nước ngọt.
Cũng theo Võ Văn Bé, năm 2024, toàn thị xã Ngã Năm thực hiện các mô hình như cá đăng quầng, cá lúa với diện tích gần 3.500 ha, ước tổng sản lượng toàn thị xã từ 12.000 - 14.000 tấn, thu nhập đạt từ 45-50 triệu đồng/ha.
Còn tại huyện Mỹ Tú, nhiều nông dân dân cũng mạnh dạn thực hiện mô hình cá đăng quầng trên ruộng. Ông Lê Văn Thương (xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú) cho biết, nhiều năm qua với diện tích gần 3 ha, gia đình triển khai mô hình nuôi cá đăng quầng mang lại hiệu quả khá cao. Cũng theo ông Lê Văn Thương, sau khi kết thúc vụ lúa Hè Thu (tháng 5 - 6) gia đình bắt đầu bao lưới xung quanh ruộng để giữ nuôi cá đồng tự nhiên, đồng thời, mua thêm cá giống (cá rô đồng, cá mè hoa) để tăng sản lượng, trung bình thu nhập gần cả trăm triệu đồng cho mỗi vụ nuôi.
Ông Lê Quốc Khởi, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng
cho biết, mô hình nuôi đăng quầng trong những năm qua luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định. Đây là mô hình vốn đầu tư ít, dễ thực hiện, chủ yếu nguồn thức ăn của tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Cũng theo ông Khởi, mô hình nuôi cá đăng quầng không chỉ là mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn trong lúc nông nhàn, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ sản xuất lúa tiếp theo.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 160.000 ha đất sản xuất lúa ở khu vực vùng trũng và hơn 10.000 ha nuôi tôm lúa trên vùng nước lợ ngọt. Ngoài lượng cá giống được bà con nông dân chủ động thả nuôi, nhiều địa phương trong tỉnh còn khai thác được sản lượng cá đồng khá lớn; ngành chức năng cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền khai thác, đảm bảo hài hòa giữa hoạt động khai thác và khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/soc-trang-xay-dung-lien-ket-chuoi-gia-tri-ca-dong/352574.html