Sốc vì vuột mất 50 chiến đấu cơ, Israel quyết tâm vùng dậy: Thành quả thật đáng kinh ngạc!
Sau khi sự kiện quá bất ngờ diễn ra, Israel bỗng chốc rơi vào tuyệt vọng, họ lo sợ mình sẽ mất ưu thế trên không trước những đối thủ đang sở hữu các loại máy bay chiến đấu tinh vi.
Theo nhà phân tích - cựu phi công người Mỹ Harrison Kass, trong những năm 1960, mẫu máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Israel là Dassault Mirage IIIC của Pháp. Vào thời điểm đó, Israel-Pháp có mối quan hệ chặt chẽ và Mirage IIIC được xem là nỗ lực hợp tác giữa hai phía, nó phù hợp với nhiều nhu cầu cụ thể của Israel.
Mirage IIIC tỏ ra khá hiệu quả trong vai trò tiêm kích chiếm ưu thế đường không, tuy nhiên, tầm hoạt động ngắn của nó đã làm hạn chế nhiều hoạt động tấn công mặt đất. Israel nhận thấy rằng họ cần có một mẫu máy bay linh hoạt hơn.
Vào giữa những năm 1960, Israel thúc giục tập đoàn Dassault của Pháp bắt tay vào phát triển mẫu Mirage 5.
Đây là phiên bản sửa đổi và cải tiến của Mirage IIIC, với sự khác biệt lớn nhất là hệ thống điện tử hàng không vốn được lắp đặt đằng sau buồng lái ở IIIC đã bị loại bỏ. Thay đổi này giúp tăng dung lượng nhiên liệu và giảm chi phí bảo dưỡng của máy bay. Về cơ bản, Mirage 5 là phiên bản máy bay tấn công mặt đất, có thể hoạt động trong thời tiết tốt của Mirage III.
Bước ngoặt trớ trêu
Đến năm 1968, Dassault đã hoàn tất 50 chiếc Mirage 5 mà Israel đặt hàng. Tuy nhiên, cục diện chính trị đã có sự thay đổi rõ rệt. Pháp có Tổng thống mới - Charles de Gaulle - người đã nỗ lực để hàn gắn quan hệ với Thế giới Ả Rập. Ông de Gaulle đã rút lại những yêu sách của Pháp đối với Algeria và lựa chọn cắt đứt quan hệ với Israel.
Chính phủ Pháp đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Israel vào năm 1967, do đó, Tel Aviv không thể nhận được những chiếc Mirage 5 mà họ đặt mua từ Dassault. Nhận một cú sốc lớn, Israel bỗng chốc rơi vào tuyệt vọng, họ lo sợ rằng mình sẽ mất ưu thế trên không trước những quốc gia đối thủ đang sở hữu các loại máy bay chiến đấu tinh vi.
Sự vùng dậy của người Do Thái
Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên Israel có thể trở thành quân đội mạnh nhất Trung Đông và nền công nghiệp quốc phòng của họ trở nên hùng mạnh, được đánh giá cao hàng đầu thế giới.
Người Do Thái vốn rất tháo vát, họ không chịu ngồi yên chấp nhận tình cảnh hiện tại. Sau khi triển khai gián điệp để có được các thông số kỹ thuật về khung máy bay và động cơ của Mirage 5, Israel đã có thể chế tạo một mẫu máy bay nội địa (gọi là IAI Nesher) bằng cách sử dụng phương pháp đảo ngược.
Sau đó, những nỗ lực để nâng cấp Nesher thành một mẫu chiến đấu cơ mạnh mẽ hơn đã cho ra đời Kfir.
Kfir sử dụng động cơ General Electric J79 do IAI Bedek chế tạo, cho lực đẩy 52.89 kN ở điều kiện thông thường và 83.40 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội. Máy bay có thể đạt vận tốc cực đại 2.440km/h, tầm bay 770km, trần bay 17.700m, vận tốc lên cao là 233.3 m/s.
Về vũ khí, Kfir trang bị 2 pháo DEFA 553 30-mm do Rafael chế tạo với cơ số đạn 140 viên/khẩu, một loại tên lửa không-đối-đất không dẫn đường (tùy chọn), cùng các loại tên lửa khác như Shrike chống bức xạ (ARM); Maverick không đối đất (ASM); Sidewinder, Shafrir, và seri-Python không-đối-không. Bên cạnh đó, nó có thể mang theo nhiều bom, với khối lượng vũ khí tối đa lên tới 6 tấn.
Kfir được đưa vào biên chế Không quân Israel năm 1975. Tới năm 1977, nó đã lần đầu tiên tham chiến khi tấn công một trại huấn luyện ở Lebanon. Năm 1979, Kfir đã lập chiến công không-đối-không duy nhất trong sự nghiệp hoạt động của nó, đó là bắn hạ một chiếc MiG-29 của Syria.
Bất chấp nhu cầu khẩn cấp của Israel khi cho ra đời Kfir, mẫu máy bay này không phải là chiến đấu cơ chủ lực của Israel trong thời gian dài.
Khi Israel phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Lebanon năm 1982, họ đã bộc lộ sự phụ thuộc rõ rệt vào Mỹ ở khía cạnh máy bay chiến đấu. Không quân Israel chủ yếu dựa vào các tiêm kích F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon [do Mỹ chế tạo] để chiếm ưu thế trên không. Kfir giữ vai trò thu dọn tàn cuộc và thực hiện các nhiệm vụ tấn công đơn lẻ, không có lực lượng hộ tống.
Tới cuối những năm 90, Israel bắt đầu cho nghỉ hưu các phi đội Kfir của họ. Một số quốc gia nước ngoài đã đặt mua Kfir [thay vì tự chế tạo bằng phương thức đảo ngược]. Hiện mẫu máy bay này vẫn đang được các nước Colombia, Ecuador, Sri Lanka vận hành. Nó được đặt biệt danh là "Sư tử con" và thường được nhắc đến với lịch sử phát triển hấp dẫn, xen lẫn nhiều yếu tố kịch tính.