'Sói-18' Nga đi săn UAV
Hãng thông tấn Nga Novosti đưa tin: Tổng công ty Almaz-Antey, nhà thiết kế và sản xuất trong lĩnh vực hệ thống tên lửa phòng không chiến thuật và chiến lược, vừa hoàn thành các cuộc thử nghiệm ban đầu về một UAV đánh chặn máy bay không người lái của đối phương.
UAV đánh chặn, có tên là "Volk-18" (“Sói-18”), qua các chuyến bay thử nghiệm đã thể hiện khả năng cơ động cao và khả năng bắn hạ cũng như tấn công cảm tử các máy bay không người lái có thiết kế khác nhau.
Almaz-Antey thông báo rằng các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước của "Volk-18" đã được lên kế hoạch trong năm nay.
Tuy nhiên, thông báo đã bỏ sót một chi tiết quan trọng: "Volk-18" được thiết kế để săn các máy bay không người lái mini dạng trực thăng, vốn được những kẻ khủng bố sử dụng rộng rãi.
Thiết bị chúng thường dùng là một chiếc quadcopter có gắn chất nổ, được điều khiển đến các thiết bị quân sự để kích nổ. Nghĩa là, đối với các máy bay không người lái tấn công hạng nặng đang phục vụ trong Quân đội Mỹ thì "Volk-18" chưa đủ khả năng đương đầu.
Thiết bị do Almaz-Antey chế tạo là một quadcopter tốc độ cao và có khả năng cơ động cao với kích thước 60 × 60 × 40 cm. Đường kính của các cánh quạt là 40 cm. Trọng lượng - 4 kg, trọng tải - 2 kg.
Vật liệu được sử dụng là sợi carbon. 4 động cơ điện được cung cấp bởi một bộ pin. Lực đẩy tối đa của động cơ là 3,4 × 4 = 13,6 kgf. Trường góc nhìn của hệ thống định vị quang học là 20 × 25 độ. Thời gian bay - 30 phút.
Nghĩa là, “Sói” sẽ được thả "đi săn mồi" trong trường hợp phát hiện có nguy cơ bị tấn công bằng đường không. Nó được trang bị một hệ thống định vị quang học hiện đại có khả năng phát hiện các máy bay không người lái mini ở khoảng cách rất xa.
Hệ thống điều khiển cho phép "Sói" tự hành động mà không cần có sự can thiệp của người điều khiển mặt đất – nó tự bắt mục tiêu bằng hệ thống theo dõi và truy đuổi cho đến vị trí có thể tấn công. Sau đó, “Sói” sẽ gửi yêu cầu tiêu diệt mục tiêu cho sở chỉ huy.
Sau khi nhận được lệnh tấn công, nó sẽ bắn ra một tấm lưới đặc biệt vào mục tiêu, làm vướng các cánh quạt và UAV sẽ rơi xuống đất. Nếu tất cả các lưới trên UAV được sử dụng hết (gồm 3 lưới), "Sói" sẽ tiến hành tấn công cảm tử (Lao thẳng vào mục tiêu-ND). Từ đó cho thấy rằng thiết bị do Almaz-Antey chế tạo sẽ có giá thành thấp.
Bộ Quốc phòng Nga rất đồng tình với dự án này. Tuy nhiên, các bài kiểm tra quốc gia sẽ quyết định tất cả. Và, rất có thể, hoạt động thử nghiệm "Volk-18" sẽ tiến hành ở Syria.
Và tới khi đó, mới có thể nói đến chuyện áp dụng thiết bị cho quân đội và các hợp đồng mua bán nó. Hơn nữa, việc mua bán sẽ có số lượng rất lớn, vì "Volk" là dạng vật phẩm tiêu hao.
Nhưng cần phải thừa nhận rằng nếu “Volk-18” không chừa ra cơ hội nhỏ nhất cho máy bay không người lái kamikaze cỡ nhỏ, cũng như cho các UAV trinh sát, thì nó vẫn là một thứ vũ khí bị hạn chế về hành động.
Bởi vì, phía tấn công sẽ nhanh chóng điều đến không phải là một- hai chiếc hoặc vài chục máy bay không người lái hoạt động riêng lẻ, mà sẽ là một bầy vài ba trăm chiếc. Rõ ràng là khi đó, ngay cả một bầy “Sói-18” cũng sẽ khó chống đỡ lại một đợt tấn công như vậy.
Trong tình huống như vậy, chỉ có thể bảo vệ bằng cách sử dụng các phương pháp điện từ gây ảnh hưởng đến bầy máy bay không người lái đối thủ. Và phải là các phương tiện đủ mạnh.
Ở Nga, một số "vũ khí chống máy bay không người lái" đã được phát triển, đó là các hệ thống tác chiến điện tử di động. Các phương tiện này hướng vào máy bay không người lái, phát ra tín hiệu và máy bay không người lái sẽ bị mất kiểm soát và rơi xuống đất.
Nhưng để đối phó với cả một bầy UAV, theo cách này sẽ không hiệu quả. Cần phải phát ra tín hiệu mạnh bằng ăng-ten trong một khu vực rộng - cả về góc phương vị lẫn góc tà.
Hơn nữa, tác động có thể coi là "thông minh" nếu ngăn chặn được sự điều khiển của máy bay không người lái, cho dù là bằng năng lượng, bằng việc ngăn chặn hoạt động của thiết bị điện tử hay thậm chí là đốt cháy nó.
Rất nhiều thứ đã được thực hiện ở đây. Tuy nhiên, người ta chưa vội vàng áp dụng các hệ thống chống bầy đàn UAV.
Tổ hợp "Rosehip-Aero" của công ty "Vega" thuộc loại vũ khí tác chiến điện tử thông minh. Nó được bố trí trên khung gầm xe KAMAZ, kiểm soát bầu trời trong bán kính 10 km.
Sau khi phát hiện ra máy bay không người lái của địch, "Rosehip-Aero" sẽ xác định mục tiêu. Nếu mục tiêu thuộc các mô hình đã biết, được ghi trong bộ nhớ của tổ hợp, thì trong vòng một giây, tất cả các kênh liên lạc của máy bay không người lái sẽ bị cắt đứt và tổ hợp sẽ giành quyền kiểm soát nó để buộc nó phải hạ cánh hoặc tiến hành một số hành động khác.
Nếu thiết bị bay không người lái thuộc một phiên bản sửa đổi không xác định, nó cũng sẽ vẫn bị tấn công. Nhưng quá trình này có thể mất vài phút. Tương tự như vậy, tổ hợp này có thể được sử dụng để chống lại một bầy máy bay không người lái, vì trong một bầy chúng đều giống hệt nhau.
Công ty “Sozvezdiye”, trực thuộc Tổng công ty nhà nước “Rostec”, đã sản xuất toàn bộ dòng hệ thống tác chiến điện tử và đang chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng Nga. Tổ hợp “Solaris-N” ở chế độ tự động, không có sự tham gia của người vận hành, bảo vệ một khu vực rộng 80 ki-lô-mét vuông khỏi các cuộc tấn công của máy bay không người lái. Nguyên lý hoạt động tương tự như "Rosehip-Aero".
Tổ hợp “Taran”, được phát triển bởi Công ty “Avtomatika” (cũng trực thuộc “Rostec”), nhằm chống lại bầy đàn UAV. Nó được gắn trên một giá ba chân và hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, che chắn các mục tiêu được bảo vệ bởi một chiếc ô có đường kính 2.700 mét.
Trước “Taran” còn có tổ hợp di động “Sapsan” có bán kính hoạt động 100 km. Hệ thống phát hiện và theo dõi của nó không chỉ giới hạn ở radar, mà còn bao gồm cả việc tìm kiếm trong dải quang học hồng ngoại có thể nhìn thấy được và trinh sát điện tử. Một luồng nhiễu điện từ mạnh sẽ ngăn chặn bước tiến của bầy máy bay không người lái từ bất kỳ hướng nào bay tới.
Còn đối với việc áp chế năng lượng của máy bay không người lái thì những vũ khí như vậy đã có ở Nga từ 20 năm trước. Đó là tổ hợp "Ranets-E", tạo thành xung điện từ có sức mạnh khủng khiếp, có thể đốt cháy toàn bộ thiết bị điện tử ở khoảng cách 10 km.
Và sau này, với khoảng cách 40 km, các sóng nhiễu mạnh có thể làm cho hoạt động của thiết bị điện tử bị gián đoạn. Tuy nhiên, tổ hợp này đã không được chấp nhận đưa vào sử dụng do một số thiếu sót nghiêm trọng. Và, thiếu sót chính là các xung động để đốt cháy chỉ có thể được phát ra với tần suất cách nhau 20 phút.
Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-soi-18-nga-di-san-uav/20210225074107979