Sôi động các ''chiếu thơ'' lục bát
Khi cuộc sống ngày càng khấm khá thì đời sống tinh thần của con người càng được nâng cao. Thế kỷ XXI đánh dấu sự nở rộ của mô hình câu lạc bộ thơ nói chung và câu lạc bộ thơ lục bát nói riêng.
Một buổi sinh hoạt của CLB Lục bát Sài Gòn.
Ít có nhà thơ chuyên nghiệp nào chưa từng “động lòng” với lục bát. Nhưng nếu nhiều nhà thơ thành danh cẩn trọng trước thể thơ "dễ viết, khó hay" này thì ở các “chiếu thơ” nghiệp dư, lục bát thực sự “lên ngôi”. Trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại, không có thể loại nào được nhiều người yêu thích như lục bát. Đọc lục bát dễ đồng cảm, viết lục bát dễ gieo vần. Cho nên, phong trào làm thơ lục bát và câu lạc bộ (CLB) thơ dành riêng cho lục bát mọc lên như nấm ở khắp nơi.
Hiện chưa thể “đếm” hết số lượng CLB lục bát ở các địa phương, nhưng có thể “điểm danh” vài cái tên như CLB Thơ lục bát Hà Đông, CLB Thơ lục bát Đất Phương Nam, Lục bát Sài Gòn, CLB Thơ lục bát Thái Bình, Lục bát tuổi vàng, CLB Thơ lục bát Gang Thép… “To” nhất phải kể đến CLB Lục bát Việt Nam do nhà thơ Đặng Vương Hưng sáng lập, nay đã có gần 1,2 vạn thành viên trên toàn quốc.
Chính thức ra mắt từ năm 2018 với “mong muốn tạo một sân chơi cho những người yêu thơ lục bát thời @ và góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”, CLB Lục bát Việt Nam hoạt động khá chuyên nghiệp với trang web lucbat.com cùng một đội ngũ thường trực biên tập, phụ trách chuyên mục là các nhà thơ thành danh như Trương Nam Hương, Hồ Đình Bắc, Vũ Thương Giang… Tôn vinh thơ lục bát, các thành viên CLB chung sức tổ chức Lễ hội lục bát Việt Nam vào "Ngày thơ lục bát" 6-8 âm lịch hằng năm, đồng thời cho ra mắt tuyển tập thơ lục bát "Lộc Phát".
Cái tên "Lộc Phát" đượm màu sắc kinh tế ấy thực ra để chỉ thể thơ “trên 6 dưới 8” - lục bát. Từ hàng ngàn bài thơ được giới thiệu trên lucbat.com trong năm, tuyển tập "Lộc Phát" ra mắt bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Cho đến nay, đã có 12 cuốn "Lộc Phát" ra đời, theo tên gọi con giáp của từng năm như "Lộc Phát - Kỷ Sửu 2009", "Lộc Phát - Canh Dần 2010"... và mới nhất là "Lộc Phát - Canh Tý 2020".
Ra mắt tuyển tập thơ lục bát cũng là cách mà nhiều CLB “nhánh nhỏ” thực hiện, như tập “Hồn biển” của CLB Thơ lục bát thành phố Vũng Tàu, tập “Thơ lục bát Thái Nguyên” của CLB Thơ lục bát Thái Nguyên, tập “Hồn quê” của CLB Thơ lục bát Hải Phòng… Từ các “chiếu thơ” lục bát phong trào, nhiều cây bút đã trưởng thành, được trao giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác thơ và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như nhà thơ Đinh Thường, Đặng Cương Lăng, Chử Thu Hằng...
Ban Tổ chức “Ngày thơ lục bát” trao bằng khen cho các câu lạc bộ thơ lục bát có nhiều hoạt động trong năm. Ảnh: Việt Cường
Sân chơi thơ câu lạc bộ đã trở thành một trong những địa chỉ phát hiện và nâng đỡ tác giả mới. Theo dõi dòng chảy thơ lục bát Hải Phòng thập niên vừa qua, nhà thơ Mai Văn Phấn nhận thấy có hai gương mặt nữ nổi bật thông qua cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” là Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Thúy Ngoan. Ông viết: “Nguyễn Thị Thùy Linh là nhà thơ trẻ sinh năm 1991. Cùng với hai bài thơ đoạt giải, một số bài thơ khác của Thùy Linh có thể coi là những tác phẩm trình làng. Giống như nhiều tác giả thành danh khác, những tác phẩm đầu tay của Thùy Linh đã dự báo khả năng, hướng đi, phong cách thơ của chị giai đoạn tiếp theo”.
Song, bên cạnh những thành công, chất lượng thơ và hoạt động ở các CLB thơ phong trào còn nhiều điều phải bàn. Đa phần thành viên CLB ở các phường, xã là người “đã có tuổi”, "về hưu công việc chứ không hưu thơ". Phong trào làm thơ lục bát của quần chúng nở rộ đến mức nhiều nhà thơ chuyên nghiệp phải ngần ngại, thậm chí có người còn ngao ngán đến mức đề xuất lập “trại cai nghiện thơ” khi xuất hiện nhiều vụ kiện “đạo thơ” gây náo loạn thi đàn cả nước. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Việt Chiến nói vui: “Chừng dăm chục năm trở lại đây, vương quốc thi ca ở nước ta với hàng vạn thần dân tối ngày “khua thơ - múa bút” đã trở thành đất dụng võ của môn phái “Lục bát thần chưởng” với vô số cao nhân đang tả xung hữu đột”.
Các “nhà thơ vườn” hào hứng bỏ tiền túi để in thơ rồi lúc nào cũng mang theo vài tập để... tìm người ký tặng. Ở một số CLB thơ xảy ra tình trạng "thơ thì ít, ca thì nhiều", dường như các thành viên tham gia CLB chỉ để lấy chốn đi về gặp gỡ, giao lưu. Từ hiện trạng “Ngày nay cả nước làm thơ/ Tối ngày lục bát mệt phờ thi ca”, đã xảy ra những vụ “mạo danh thi ca” trong một số CLB để lừa đảo người làm thơ.
Dù có những không hay xảy ra nhưng không thể vì thế mà phủ nhận vai trò của các CLB thơ phong trào ở các địa phương, trong đó có CLB thơ lục bát. Mỗi cá nhân tham gia CLB có chung sở thích, tìm thấy ở đó những người bạn đồng điệu về cảm xúc, mong muốn. Thông qua sinh hoạt, các thành viên CLB có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, động viên và hỗ trợ nhau không chỉ trên “sân thơ” mà cả trong cuộc sống. Hoạt động của những nhóm người có cùng sở thích, chung mục đích góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cộng đồng.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/987546/soi-dong-cac-chieu-tho-luc-bat