Sôi động điện thoại 'gập mở' tại thị trường Việt Nam
Những năm gần đây, các hãng điện thoại đã liên tiếp cho ra mắt những mẫu điện thoại gập mở với nhiều đổi mới sáng tạo, kiểu dáng bắt mắt, màu sắc thời thượng, chụp hình sắc nét khiến người người tiêu dùng không khỏi choáng ngợp, 'xuống tay' sở hữu để trải nghiệm.
Cuộc đua thị phần “gập mở”
Cuối tháng 10 vừa qua, hãng Oppo đã cho ra mắt thế hệ tiếp theo smartphone gập dạng vỏ sò tại thị trường Việt Nam, đó là bộ đôi Oppo Find N3 và N3 Flip. Không nhắc tới chức năng và hiệu suất cải tiến, nhưng với 3 phiên bản màu sắc là đen hổ phách, vàng thạch anh, hồng ngọc bích cùng camera màn hình chính lên đến 50MP, trọng lượng 198gram và độ mỏng 7,79mm, tương đương bằng một nửa điện thoại thông thường khi gập lại đã khiến những người đam mê công nghệ mong muốn được sở hữu ngay chiếc điện thoại gập này.
So với các hãng điện thoại khác, Oppo có thể coi là một hãng khá "chậm chân" trong cuộc đua smartphone gập mở, ra mắt sản phẩm sau các thương hiệu khác đến vài năm. Nhưng hiện tại, Oppo đã có thể biến đây thành lợi thế, xử lý được các nhược điểm thường thấy trên sản phẩm đối thủ.
Cụ thể, năm 2021, hãng điện thoại Oppo cũng đã cho ra mắt điện thoại gập Find N, đánh dấu lần đầu lấn sân sản xuất điện thoại màn hình gập và đã nhận nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là ở thiết kế vô cùng cứng cáp và không có khe hở khi gập máy - điều mà rất nhiều sản phẩm tương tự chưa làm được. Tuy nhiên, mẫu máy này chỉ được bán ra tại thị trường nội địa. Đến cuối năm 2022, Oppo tiếp tục cho lên kệ phiên bản N2 Flip và đây cũng là những chiếc điện thoại màn hình gập vỏ sò đầu tiên mà Oppo đưa ra thị trường thế giới, chứng tỏ hãng đã hoàn toàn tự tin vào trải nghiệm thực tế mà smartphone gập mang lại.
Trước đó không lâu, Samsung cũng cho ra mắt bộ đôi điện thoại gập Galaxy Z Fold 5 và Galaxy Z Flip 5. Bộ đôi này cũng đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường với nhiều cải tiến sau 4 - 5 năm hãng này cho ra mắt điện thoại gập mở đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Xuất hiện lần đầu vào 2018, dòng smartphone gập của Samsung là giải pháp có tính đột phá, thay đổi đáng kể trải nghiệm của người dùng. Kể từ thời điểm đó, doanh số và thị phần mảng smartphone này của Samsung liên tục tăng ở mức 2 - 3 con số mỗi năm. Nhiều hệ thống phân phối điện thoại cho biết, điện thoại gập mở từng là sân chơi của ông lớn này.
Tuy nhiên, 1 - 2 năm trở lại đây, xu hướng điện thoại gập mở trở thành thị phần béo bở, được các hãng điện thoại nhắm tới. Vì thế, các các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Oppo hay Vivo cũng đều đã nhập cuộc để cho ra các mẫu điện thoại tương tự.
Gần nhất, trong một thông tin được lưu truyền trên mạng xã hội, Xiaomi MIX Fold 3 sẽ sớm có mặt tại Việt Nam dù sản phẩm này đã ra mắt tại nội địa vào tháng 8/2023. Cộng đồng yêu công nghệ cho biết, chiếc điện thoại gập này tuy tiền nhiệm thế hệ Xiaomi MIX Fold 2 nhưng được nâng cấp toàn diện từ thiết kế đến camera, đặc biệt là hiệu năng.
Ngoài ra, nhờ có phong cách thiết kế mới mà khung viền của máy cũng đạt độ mỏng ấn tượng với kích thước 5,26 mm khi mở ra và 10,96mm khi đóng lại, nặng khoảng 259gram nên máy được đánh giá có cảm giác cầm như không cầm. Với camera chính Leica lên đến 50MP, các nhà phân phối điện thoại đánh giá Xiaomi đã quyết tâm hợp tác với Leica để tạo nên chỗ đứng vững chắc trên thị trường và gây ấn tượng với người dùng.
Tương tự, hãng điện thoại Huawei cũng vừa cho ra mắt điện thoại gập Huawei Mate X5 tại thị trường Trung Quốc. Chiếc điện thoại này được người dùng đánh giá tạo cảm hứng nhờ vào thiết kế mỏng gọn, sang trọng cùng thông số phần cứng mạnh mẽ. Cụ thể, sản phẩm gập này có kích thước tổng thể là 156,9 × 72,4 × 11,08 mm (khi đóng lại) và 156,9 × 141,5 × 5,3 mm (khi mở rộng). Về trọng lượng, mẫu da thực vật nặng khoảng 243 gram, trong khi phiên bản còn lại nặng khoảng 245 gram. So với các thế hệ Huawei Mate X, sản phẩm này được đánh giá có cấu hình mạnh mẽ nhất, nhiều màu sắc lựa chọn và là đối thủ đáng gờm của Samsung.
Trong khi đó, Vivo cũng đã cho ra mắt cặp đôi điện thoại gập Vivo X Fold 2 và X Flip - là thế hệ tiếp theo của dòng smartphone nắp gập của hãng này tại thị trường nội địa. Trước đó, vào tháng 4 năm ngoái, Vivo đã giới thiệu thế hệ đầu tiên của mẫu điện thoại gập ngang với tên X Fold. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, người dùng hiện vẫn khó tiếp cận các thiết bị đó một cách chính hãng.
Xu hướng mới cho smartphone
Theo đánh giá của các nhà phân phối điện thoại, phân khúc smartphone màn hình gập dự kiến sẽ trở nên sôi động hơn trong thời gian tới, khi Samsung không còn là hãng duy nhất phân phối dòng sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.
"Thị trường smartphone màn hình gập đang rất tiềm năng với mức tăng trưởng 2 - 3 lần mỗi năm. Sản phẩm này hướng đến những người dùng thích trải nghiệm công nghệ gập mở, sự linh hoạt và đa nhiệm", bà Phùng Phương, đại diện truyền thông hệ thống Di Động Việt chia sẻ.
Báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cũng cho biết, lượng smartphone màn hình gập xuất xưởng trên toàn cầu trong quý I/2023 đã tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh toàn bộ ngành công nghiệp smartphone sụt giảm tới 14,2%. Các thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất bao gồm Trung Quốc, Bắc Mỹ và Tây Âu.
Đáng chú ý, thị trường smartphone gập tại Trung Quốc đã tăng 117%, đạt 1,08 triệu thiết bị xuất xưởng. Trong đó, Oppo là nhà sản xuất smartphone màn hình gập dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 27% thị phần. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Huawei, Samsung, Honor, Vivo và Xiaomi.
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, mức độ thâm nhập thị trường điện thoại màn hình gập ước tính ở mức 1,6% trong năm 2023 khi bán được 18,3 triệu chiếc. Dòng thiết bị này có tiềm năng vượt 5% vào năm 2027 với 70 triệu sản phẩm.
Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc smartphone màn hình gập không phải quá dễ dàng, mặc dù phần đông người dùng ghi nhận rằng, smartphone màn hình gập khá gọn gàng, sở hữu thiết kế mang xu hướng "tương lai". Lý do chính yếu đến từ việc mức giá cho sản phẩm vẫn ở mức đắt đỏ, dù đã giảm so với thời kỳ đầu, nhưng vẫn là rào cản đáng kể với người dùng. Ngoài ra, các hạn chế còn nằm ở chỗ hệ sinh thái ứng dụng trên điện thoại gập vẫn chưa tối ưu toàn diện, tuổi thọ pin khi sử dụng nhiều năng lượng hơn.
Về vấn đề này, các nhà phân tích TrendForce cho biết, trong thời gian tới giá của điện thoại gập sẽ giảm sau khi giảm chi phí sản xuất cũng như việc mở rộng phạm vi cung cấp từ các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, kéo theo đó thị trường màn hình gập sẽ tăng. Nghĩa là, khi chi phí của các thành phần đặc biệt là tấm nền và bản lề giảm đi, giá bán lẻ của các thiết bị màn hình gập cũng sẽ giảm xuống dưới 1.000 USD.
Báo cáo từ Trendforce cũng cho biết, Samsung dự kiến sẽ tung 12,5 triệu điện thoại màn hình gập trong năm nay và chiếm 2/3 thị trường, đây là con số giảm từ mức 82% thị phần hãng điện tử Hàn Quốc nắm được vào năm 2022. Các đối thủ đến từ Trung Quốc như Huawei là 2,5 triệu chiếc (14% thị phần), còn Oppo và Xiaomi lần lượt chiếm 5 và 4% thị phần.
Lý do chính giúp Samsung thống trị mảng điện thoại màn hình gập là do đại dịch và cách tiếp cận thận trọng của các nhà sản xuất Trung Quốc đối với việc xuất hàng ra nước ngoài. Hiện hầu hết, thương hiệu Trung Quốc chỉ cung cấp điện thoại màn hình gập tại quốc gia này. Nhưng khi đã sẵn sàng mở rộng ra nước ngoài, thị trường smartphone màn hình gập sẽ phát triển.
"Chúng tôi tin rằng, năm 2023 sẽ là một năm sôi động của thị trường smartphone màn hình gập. Các nhà sản xuất sẽ tích cực cạnh tranh nhau và ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới", Jene Park, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research nhận định.
Cũng theo dự báo từ các chuyên gia, lượng smartphone màn hình gập xuất xưởng năm 2025 sẽ đạt xấp xỉ 55 triệu chiếc, gấp 4 lần so với năm 2022. Thị phần smartphone gập cũng được kỳ vọng tăng gấp đôi trên quy mô toàn cầu, lên mức 16% vào năm 2025.
“Bởi hiện nay, các thiết bị di động có thể gập lại vẫn còn là thị trường ngách, song đó là phân khúc quan trọng dành cho những thương hiệu muốn duy trì vị trí dẫn đầu về sự khác lạ, đổi mới”, Tom Kang, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Counterpoint Research cho biết thêm.