Sôi động dự án năng lượng sạch
Thời gian gần đây, hàng loạt dự án năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gồm điện mặt trời, điện gió, điện LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng)… được đầu tư. Song song đó, nhiều dự án năng lượng sạch khác đang được ký kết ở khắp các địa phương, mở ra triển vọng đảm bảo nguồn cung điện bền vững trong tương lai và giúp thị trường bán lẻ điện có cơ hội cạnh tranh lành mạnh.
Những dự án tỷ đô
Tại khu vực phía Nam, nhiều dự án điện mặt trời liên tục được khởi công và nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc đầu tư “nóng” đến mức nhiều dự án thi công xong nhưng không thể phát lên lưới, do… thiếu đường dây, đặc biệt ở khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Để giải quyết tình trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cấp tốc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV với tổng chiều dài đường dây trên 750km và các trạm biến áp có tổng dung lượng 5.025MVA để giải tỏa công suất cho 113 dự án điện mặt trời và điện gió (tổng công suất trên 5.700MW).
Đến nay, trên cả nước đã đưa vào vận hành thêm 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314MWp. Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Văn Lý, các tỉnh phía Nam tính từ Ninh Thuận trở vào có lượng bức xạ mặt trời vào loại cao nhất cả nước với trên 90% số ngày nắng trong năm. Vì vậy, khu vực này có điều kiện phát triển mạnh điện mặt trời.
Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều tỉnh đang “bắt tay nhau” quyết tâm trở thành “Trung tâm năng lượng quốc gia”. Các địa phương đều chọn phát triển năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng khí là bước đột phá để phát triển bền vững. Đơn cử tại Bạc Liêu, đến nay đã khởi động 12 công trình điện gió và dự án điện LNG có mức vốn đầu tư 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, là hàng loạt dự án năng lượng điện mặt trời đang chạy đua với thời gian để gấp rút hoàn thành trước tháng 1-2021.
Tỉnh Sóc Trăng đã khởi động nhiều dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề. Hay tại Cà Mau có 3 mặt giáp biển, là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với trên 280.000ha nhưng vẫn ưu tiên phát triển năng lượng sạch để làm khâu đột phá phát triển kinh tế. Đến nay, đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000 MW. Trong đó, các dự án điện gió có tổng công suất là 6.050MW; điện mặt trời với 1.450MWp và dự án điện LNG dự kiến đạt 4.500MW.
Tại Huế cũng sắp có nhà máy điện LNG với tổng công suất thiết kế 4.000MW, trị giá 6 tỷ USD dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), tức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 - 25 tỷ kWh.
Tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về đầu tư năng lượng lên đến hàng chục tỷ USD, như dự án điện LNG Bạc Liêu với công suất 3.200MW, có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn LNG mỗi năm; dự án điện LNG Long An với công suất 3.000MW, có tầm quan trọng chiến lược vì sẽ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.
Cùng với việc đầu tư sôi động vào loại hình dự án năng lượng nói trên, gần đây các nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ Công thương yêu cầu EVN ký hợp đồng cam kết mua điện (PPA) ở mức tối đa với giá cố định nhằm tránh rủi ro, đồng thời, giúp các chủ đầu tư huy động vốn khi các bảo lãnh vay vốn của Chính phủ không còn. “Nếu như các chính sách về hợp đồng mẫu PPA không được ra sớm hoặc ít nhất là quan điểm chủ trương của các hợp đồng IPP không được làm rõ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án trong giai đoạn tới”, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đại diện tư vấn cho dự án nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu kiến nghị.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước đây, quy định thường dựa trên cân đối cung cầu điện để yêu cầu EVN phải cam kết mua 80%-85% theo từng năm và tùy từng loại hình nhà máy điện như với thủy điện là 80%, nhiệt điện là 85%. Tuy nhiên, hiện nay thị trường điện đã chuyển sang cấp độ bán buôn. Do vậy, sẽ có các cơ chế, chính sách mới phù hợp với thị trường điện có nhiều người bán, nhiều người mua thay vì chỉ có EVN và các tổng công ty điện lực hiện nay.
Sản lượng điện cam kết sẽ do hai bên (bên bán - bên mua) tự thỏa thuận với nhau, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn đưa ra giới hạn không thấp hơn 60%, cao nhất là 100% sản lượng có thể phát của các nhà máy. Đây cũng chính là điều kiện để các nhà đầu tư IPP cần làm quen với việc không có sự bảo lãnh của Chính phủ, chuẩn bị tâm thế tham gia phát triển và hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - các nhà máy điện bán điện trực tiếp đến người dân - vào năm 2023.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/soi-dong-du-an-nang-luong-sach-698811.html