Sôi động thị trường lao động đầu năm
Bám sát nhu cầu của thị trường lao động
(HNM) - Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này tạo ra bầu không khí sôi động cho thị trường việc làm ở Hà Nội ngay từ những ngày đầu năm; đồng thời, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp kết nối cung - cầu hiệu quả, góp phần đưa thị trường lao động, việc làm phát triển hài hòa, bền vững.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động. Ảnh: Lê Tuấn
Tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, phần lớn doanh nghiệp ổn định sản xuất, người lao động đi làm đầy đủ với tinh thần phấn chấn, hứa hẹn năng suất lao động cao. Chị Dương Thị Mai, công nhân Công ty TNHH Massao, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ quyền lợi luôn đi liền với trách nhiệm. Do đó, chúng tôi trở lại công ty làm việc đúng thời gian quy định, không còn tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay: Toàn thành phố Hà Nội có hơn 160.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất. Hiện lực lượng lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ gần 99%, cao hơn cùng kỳ những năm trước, trong đó có một số doanh nghiệp bảo đảm 100% quân số ngay trong ngày làm việc đầu xuân - mùng 6 tháng Giêng.
Mặc dù người lao động đã trở lại làm việc sau Tết, nhưng số lao động hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, nên nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động. Chị Đoàn Thị Oanh, cán bộ phụ trách công tác tuyển dụng, đào tạo của Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Ánh Dương (82 Trần Tử Bình, quận Cầu Giấy) thông tin: “Chúng tôi cần tuyển gấp ít nhất 40 lao động nhằm cung ứng nhân sự cho một số doanh nghiệp, tòa nhà chung cư, ngân hàng...”. Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) đang ráo riết tuyển dụng khoảng 100 công nhân…
Ngoài ra, trên trang tin vieclamhanoi.net của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) thường xuyên có hàng trăm doanh nghiệp đăng tin tuyển lao động với gần 3.000 vị trí việc làm mới. Chị Lê Diệu Linh, tổ dân phố 4, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Sau 2 ngày đăng ký ứng tuyển cho vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tôi đã được nhiều doanh nghiệp gọi đến phỏng vấn”.
Nhiều lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền
Chủ động giải quyết những bất cập
Đánh giá về thị trường lao động, việc làm đầu năm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, đa số đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động bổ sung, không phải tuyển lao động thay thế. Đáng lưu ý là số lượng lao động thất nghiệp có xu hướng tăng. Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đón tiếp gần 70.000 người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 20.000 người so với năm 2017. Sau khi mất việc làm, nhiều lao động chuyển sang làm nghề khác hoặc không trở lại thị trường lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tay nghề. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, nhưng khó tuyển dụng.
Đồng tình với nhận định nêu trên, Trưởng phòng Hành chính, Công ty cổ phần Cơ khí Tân Minh, ngõ 161, đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai) Nguyễn Quốc Phong cho hay: Đến nay các công việc cần lao động phổ thông đã đủ người, riêng vị trí Trưởng phòng Kỹ thuật, dù đưa ra mức lương hấp dẫn, nhưng công ty vẫn chưa tìm được người phù hợp”.
Để giải quyết những bất cập này, theo ông Nguyễn Quốc Phong, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thông tin dự báo về thị trường lao động, làm căn cứ cho doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động; còn người lao động có thể tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để có được công việc yêu thích.
Ở góc độ đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng mong muốn, trong năm 2020, các đơn vị, địa phương chú trọng hơn tới công tác tư vấn nghề nghiệp cho người lao động, chủ động phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong năm 2020, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm sẽ tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối với doanh nghiệp cần tuyển lao động. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp theo nhu cầu sử dụng lao động của thị trường.
Những tín hiệu khởi sắc, sôi động ngay từ đầu năm của thị trường lao động cùng những giải pháp nỗ lực kết nối cung - cầu, hy vọng thành phố có thể hoàn thành sớm mục tiêu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 156.000 lao động trong năm 2020.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/957432/soi-dong-thi-truong-lao-dong-dau-nam