Sôi động vùng ven khu công nghiệp

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp (KCN) thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động thì nay đang hồi phục, bứt phá mạnh mẽ. Lao động làm việc tại KCN ngày càng đông, đạt cao hơn so với trước dịch, giúp cho vùng ven KCN nhộn nhịp trở lại.

Lao động tăng cao

Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, công nhân từ khắp các tỉnh, TP trở lại làm việc trong các KCN của Bắc Giang. Giờ tan tầm, đứng ở chân cầu vượt cao tốc Bắc Giang-Hà Nội, dễ dàng cảm nhận tinh thần phấn chấn của công nhân tan ca sau ngày làm việc trong nhà máy. Họ nườm nượp rẽ qua các hàng quán mua đồ dùng, thực phẩm cần thiết. Theo chân những công nhân, chúng tôi đến khu trọ tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Giờ tan ca của công nhân các khu công nghiệp ở huyện Việt Yên.

Giờ tan ca của công nhân các khu công nghiệp ở huyện Việt Yên.

Không ngại tiếp xúc với người lạ, chị Nguyễn Kim Tuyến (SN 1994), quê ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng xởi lởi trò chuyện. Chị chia sẻ: “Trước đây tôi làm thuê ở cửa khẩu bên Trung Quốc, sau đó ít việc nên đầu tháng 7 xuống Bắc Giang xin làm công nhân. Đúng lúc DN đang cần người, tôi được nhận vào làm ngay. Hiện nay, mức lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. Chỉ mong công ty nhiều việc, người lao động có cơ hội làm thêm giờ, tăng thu nhập, dành dụm gửi về quê cho gia đình”.

Khác với chị Tuyến, trong dòng người hối hả của buổi chiều muộn ai cũng nhanh chân về với gia đình, nơi ở thì một số người lại bắt đầu vào ca làm việc mới. Anh Mùa Mí Tụ, quê ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang làm việc trong DN được 2 tuần nay. Anh và người bạn cùng quê ở chung phòng trọ. Lần đầu xa nhà, nhiều thứ còn bỡ ngỡ, cũng may anh được một số công nhân đi trước chỉ cho điểm thuê nhà, ổn định chỗ ở.

Công nhân đến làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp ở huyện Việt Yên.

Công nhân đến làm việc tại các nhà máy trong khu công nghiệp ở huyện Việt Yên.

Anh Tụ nói: “Chúng tôi vừa ăn tối xong, chuẩn bị đến DN làm ca đêm. Có chỗ ở thì yên tâm rồi, cả hai nhắc nhở nhau đi làm đúng giờ mới có lương, có tiền thuê phòng trọ và chi phí khác”.

Qua trò chuyện được biết, chị Tuyến, anh Tụ là những người lần đầu xuống làm việc tại Bắc Giang. Tuy chưa được đào tạo nhưng họ đáp ứng ngay yêu cầu tuyển dụng của các DN về lao động phổ thông, lao động thời vụ. Lướt mạng xã hội hay đi qua một số nhà máy trong KCN sẽ thấy nhiều DN cần tuyển dụng lao động quy mô lớn.

Công ty TNHH New Wing (KCN Vân Trung) cần tuyển 10 nghìn lao động phổ thông. Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (KCN Quang Châu) cần tuyển 5 nghìn lao động thời vụ. Công ty TNHH Hosiden, Công ty TNHH Fuyu, đặc biệt Công ty TNHH Luxshare (KCN Quang Châu) có nhu cầu tuyển hơn 20 nghìn lao động.

Công ty TNHH Celink Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động.

Công ty TNHH Celink Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động.

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện nay có hơn 200 nghìn lao động đang làm việc tại DN trong KCN của tỉnh, cao hơn so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân là do hàng loạt DN, tập đoàn lớn hồi phục, có đơn hàng lớn nên nhu cầu cao về lao động để giao hàng cho đối tác đúng hẹn.

Nhà trọ đông đúc, hàng quán nhộn nhịp

Lao động dồn về Bắc Giang ngày càng đông khiến cho vùng ven KCN cũng nhộn nhịp, đông vui hơn. Trời tối, các khu dân cư, tuyến phố lên đèn sáng trưng, hàng quán tấp nập người qua lại. Tại khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Hưng, tổ dân phố My Điền 2 có phòng bật bóng điện, phòng đóng cửa do một số công nhân đã đi làm ca đêm.

Người kinh doanh ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) buôn bán thuận lợi khi có đông công nhân về ở trọ.

Người kinh doanh ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) buôn bán thuận lợi khi có đông công nhân về ở trọ.

Vừa bán hết một chậu cá lớn, bà Hưng vui vẻ kể. Dạo trước, phòng trọ ế ẩm lắm, có khi trống đến nửa số phòng vì không có người thuê. Buôn bán phập phù, bà chẳng buồn lấy hàng về bán. Gần một tháng nay, công nhân xuống nhiều, phòng đã kín, công việc kinh doanh của bà cũng thuận lợi hơn. Với hơn chục phòng trọ, giá từ 1-1,2 triệu đồng/phòng/tháng, gia đình bà có khoản thu kha khá.

Hỏi một số chủ hộ kinh doanh bia hơi, trà sữa, thực phẩm tươi sống gần đó, họ cũng bày tỏ niềm vui khi hàng hóa bán chạy hơn, nhất là một số quán cơm bình dân. Anh Nguyễn Hà Đông, quê ở tỉnh Nam Định thuê mặt bằng tại thị trấn Nếnh mở quán ăn, đối tượng phục vụ chính là công nhân.

Khi nhiều DN cắt giảm lao động khiến các quán vắng khách. Anh tưởng phải trả lại mặt bằng do không cầm cự nổi. Thế nhưng, nay anh đã có hy vọng, hoạt động kinh doanh bớt khó khăn. “Tôi không nhớ bán bao nhiêu suất cơm mỗi ngày nhưng lượng người đến quán cao gấp đôi so với một tháng trước. Cứ đà này, gia đình tôi sẽ có thu nhập tốt hơn thời gian tới”- anh Nguyễn Hà Đông bộc bạch.

Theo đại diện lãnh đạo xã Quang Châu, toàn xã có hơn 600 hộ có nhà trọ cho thuê với gần 12 nghìn phòng, tập trung ở các thôn: Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng, Nam Ngạn… Nhiều phòng trọ đã được cải tạo, nâng cấp, có khu vệ sinh khép kín, có hộ lắp máy điều hòa, bình nóng lạnh hoặc để người thuê tự lắp. Dịp trước, công nhân còn lựa phòng to, phòng nhỏ nhưng nay phòng nào cũng được săn đón, “đắt như tôm tươi”.

Lân la trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mận, chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Nếnh, được chị chia sẻ về công việc làm ăn của gia đình. Nhà chị có gian hàng nhỏ cạnh đường gom KCN.

Chị bảo, người bán hàng ở đây phụ thuộc vào công nhân ở trọ và DN ít hay nhiều việc. Cứ dịp nào công nhân qua lại nhiều thì ngày đó hàng bán chạy và ngược lại. Đứng trong quán chị Mận, chúng tôi thấy chị luôn miệng mời chào, đưa hàng cho khách.

Người mua ở đủ vùng miền, họ từ miền Trung, Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc đến Bắc Giang làm việc. Dù không phải thu được tiền hàng cho mình nhưng chúng tôi vui lây khi thấy những người kinh doanh như chị Mận, anh Đông đắt hàng. Đó là minh chứng cho sự hồi phục của DN Bắc Giang. Chỉ khi DN làm ăn được thì lao động, công nhân từ khắp nơi mới tập trung về đây đông như vậy.

Từ thị trấn Nếnh, chúng tôi khảo sát thêm một số thôn của xã Quang Châu (Việt Yên). Thôn Núi Hiểu như “lột xác” so với vài tháng trước. Từ điểm bán hàng lưu động đến cố định đều tấp nập người ra vào. Các quán bán hàng ăn đêm, quán nhậu khách ngồi kín bàn.

Theo đại diện lãnh đạo xã Quang Châu, toàn xã có hơn 600 hộ có nhà trọ cho thuê với gần 12 nghìn phòng, tập trung ở các thôn: Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng, Nam Ngạn… Nhiều phòng trọ đã được cải tạo, nâng cấp, có khu vệ sinh khép kín, có hộ lắp máy điều hòa, bình nóng lạnh hoặc để người thuê tự lắp. Dịp trước, công nhân còn lựa phòng to, phòng nhỏ nhưng nay phòng nào cũng được săn đón, “đắt như tôm tươi”.

Hỗ trợ DN, lo chỗ ở cho công nhân

Sự hồi phục của DN trong KCN giúp kinh tế Bắc Giang khởi sắc. Với người dân kinh doanh dịch vụ ven KCN thì đây là tin vui nhất, đặc biệt là với những hộ kinh doanh nhà trọ. Ở xã Quang Châu, những hộ có vài chục đến cả trăm phòng trọ cho thuê khá nhiều. Với giá bình quân khoảng 1 triệu đồng/phòng/tháng, nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, không ít hộ từng là tỷ phú không ruộng.

 Một khu nhà trọ ở thị trấn Nếnh.

Một khu nhà trọ ở thị trấn Nếnh.

Vượt qua khó khăn, các DN bứt phá như hiện nay là giai đoạn vô cùng quý giá, không phải lúc nào cũng có được. Nắm bắt tình hình thực tế và những vấn đề đang đặt ra, Bắc Giang xác định DN trong KCN là động lực, quyết định cho sự tăng trưởng kinh tế nên chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN.

Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Hiện nhiều nhà máy đi vào hoạt động, DN mở rộng sản xuất, đầu tư nhiều dây chuyền mới. Dù công nghệ hiện đại song vẫn có công đoạn sử dụng lao động. Vì vậy, không chỉ thu hút lao động trong tỉnh, cơ quan chức năng còn làm việc với một số tỉnh bạn để hỗ trợ DN tuyển dụng lao động. Về lâu dài, chúng ta cần quan tâm đào tạo nhân lực kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của DN”. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh đang phối hợp hỗ trợ DN, trong tháng 9 tổ chức ngày hội việc làm tại một số địa phương để tuyển dụng lao động.

Tuy vậy, với việc tập trung lượng lớn công nhân cũng là một thách thức đối với Bắc Giang. Đó là nỗi lo về môi trường, an ninh trật tự, chỗ ở. Nếu không được giải quyết một cách căn cơ thì sẽ dẫn đến phức tạp.

Đem những băn khoăn này trao đổi với ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý Các KCN tỉnh, ông Cường thông tin, lao động là tài sản, vốn quý của DN. Họ chính là lực lượng tạo ra của cải, vật chất cho DN, nếu không có lao động thì DN không phát triển được. Bắc Giang đang thực hiện hàng loạt giải pháp giúp công nhân “an cư, lạc nghiệp” như: Đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội dành cho công nhân; xây dựng bệnh viện, trường học ven KCN; đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải; tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự…

Vùng ven KCN của Bắc Giang từng sầm uất và cũng từng buồn tẻ khi vắng công nhân. Hy vọng với nỗ lực của mỗi nhà đầu tư cùng sự hỗ trợ từ các cấp, ngành địa phương, những DN trên địa bàn luôn vững vàng, ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho lao động, từ đó thúc đẩy các loại hình dịch vụ.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/411298/soi-dong-vung-ven-khu-cong-nghiep.html