'Soi' dữ liệu NASA, 2 học sinh phát hiện 4 hành tinh độc đáo nhất từ trước đến nay
Kartik Pinglé (16 tuổi) và Jasmine Wright (18 tuổi) đã phát hiện 4 hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời y đúc khi hợp tác với các nhà khoa học Mỹ phân tích dữ liệu từ thợ săn ngoại hành tinh TESS của NASA.
Trong bài công bố vừa đăng tải trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal, 2 nhà thiên văn tuổi teen này cho biết hệ sao họ vừa xác định chỉ cách Trái đất 200 năm ánh sáng, là một trong những hệ sao gần chúng ta nhất từng được ghi nhận.
2 cô cậu bé này đã tham gia một chương trình của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ), tuyển mộ những học sinh đam mê khoa học. Họ sẽ được làm việc cùng các chuyên gia của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong một số công trình nghiên cứu, được trả lương sòng phẳng.
Kartik và Jasmine được phân công tham gia phân tích dữ liệu từ TESS - Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh của NASA, với sự hướng dẫn của tiến sĩ Tansu Daylan từ Viện nghiên cứu Vũ trụ và Vật lý thiên văn MIT.
Nhưng rồi 2 cô cậu bé đã có phát hiện riêng khi xem xét ngôi sao mang tên TOI 1233, một thiên thể giống y hệt Mặt Trời của Trái Đất. Khi xử lý thu hẹp ánh sáng từ ngôi sao, họ phát hiện ra tới 4 hành tinh mới. Trước đó, có một hành tinh xa hơn 4 hành tinh nói trên đã được nhóm nghiên cứu khác tìm ra.
3 trong số đó được coi là "tiểu Hải Vương Tinh", tức dạng hành tinh khí giống Sao Hải Vương nhưng nhỏ hơn. Chúng mất từ 6-19,5 ngày quay quanh sao mẹ. Nhưng thứ vị nhất là hành tinh gần sao mẹ nhất: một siêu Trái Đất. Nó cũng là hành tinh đá giống Trái Đất nhưng khổng lồ, mất gần 4 ngày để quay quanh ngôi sao.
Nói với Sci-tech Daily, tiến sĩ Daylan cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi nghên cứu về 4 hành tinh thú vị nói trên, bởi việc chúng quay quanh một ngôi sao y hệt Mặt Trời là rất độc đáo, một cơ hội ngàn năm có một để tìm hiểu cách mà hệ Mặt Trời của chúng ta đã tiến hóa và nuôi dưỡng các hành tinh.