Khi mới ra đời, súng phóng lựu M79 là vũ khí hỏa lực tiểu đội, trang bị cho một người sử dụng; mục đích làm cầu nối hỏa lực ở cự ky giữa lựu đạn cầm tay và tầm bắn tối thiểu của súng cối (50 đến 300 mét); súng phát huy tốt tính năng ở những nơi địa hình phức tạp, nhiều khối chắn.
M79 có cấu tạo rất đơn giản, dễ sử dụng; súng không có hộp tiếp đạn và phải nạp đạn lại sau mỗi phát bắn, bằng cách gập nòng xuống như súng bắn đạn ria. Chính vì cách nạp đạn như vậy, nên M79 có tốc độ bắn chậm hơn rất nhiều, so với những loại súng phóng lựu mới phát triển gần đây (6 phát/phút).
Súng sử dụng đạn lựu 40x46mm; đầu đạn sử dụng ngòi chạm nổ; để đảm bảo an toàn cho người bắn (chống đạn nổ trong nòng và đầu nòng súng), khi đạn được bắn ra khỏi nòng khoảng 40 mét, do tốc độ quay của đầu đạn (nhờ rãnh xoắn trong nòng súng tạo ra), lúc này cơ cấu an toàn ngòi nổ mới mở hết và mới có thể kích nổ được đầu đạn.
Cũng do cơ cấu ngòi nổ của viên đạn khá phức tạp và đòi hỏi phải có đủ lực tác động vào phần đầu đạn, thì mới kích hoạt được ngòi nổ; nên khi đạn rơi phần đuôi và cạnh viên đạn tiếp đất trước, thì chắc chắn viên đạn đó sẽ không nổ. Nhưng nếu ai không biết mà cầm đạn lên, lúc này cơ cấu bảo hiểm đã mở hết, có thể gây nổ tức thì.
Là hỏa lực cấp tiểu đội bộ binh, M-79 có thể bắn đạn lựu xa hơn và chính xác hơn nhiều so với lựu đạn cầm tay. Đạn nổ phá văng mảnh M406 HE là loại đạn chính, có sơ tốc đầu đạn là 75 m/s, vỏ đầu đạn bằng nhôm, chứa thuốc nổ trong một quả cầu thép; khi đạn nổ, có thể văng ra hơn 300 mảnh vụn, với vận tốc 1.524 m/s, bán kính sát thương là 5 mét.
Trong chiến đấu tầm gần, M79 sử dụng hai loại đạn. Loại đầu tiên là đạn hình mũi tên, chứa 45 mũi tên nhỏ, chứa trong vỏ đạn bằng nhựa; loại này chỉ được thử nghiệm.
Loại đạn sát thương tầm gần thứ hai là M576, bao gồm 2.700 mảnh đạn chì nhỏ, được đúc và chứa trong vỏ đạn bằng nhựa 40 mm, có vận tốc chậm hơn, nhưng đường đạn ít bị lệch bởi gió, nên mức độ chính xác cao hơn.
Ngoài ra, khẩu súng phóng lựu M-79 còn bắn được nhiều loại đạn khác nhau như đạn nổ mảnh, đạn nhiệt áp, có bán kính sát thương khác nhau đối với từng loại, có thể lên đến 35m. M-79 còn sử dụng là súng bắn đạn khói, đạn chiếu sáng (loại tiêu chuẩn và loại rơi chậm có dù) và đạn hơi cay CS.
Khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam, M-79 được trang bị cho lính bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ và tỏ ra khá hiệu quả với mục tiêu cách xa từ 50 mét đến 300 mét. Một xạ thủ có kỹ năng tốt, có thể bắn trúng đích ở cự ly 140 mét.
Mặc dù M79 được dự định sử dụng như một vũ khí vác vai để bắn ngắm trực tiếp, nhưng M79 chứng tỏ rất hiệu quả khi bắn gián tiếp; người bắn đặt báng súng trên mặt đất và bắn nó như một khẩu súng cối, có khả năng bắn cầu vồng quan vật cản.
Ở chiến trường Việt Nam, M-79 thường được gọi tên là "cối cá nhân" thay vì gọi tên là "súng phóng lựu". Nhược điểm của M-79 là các viên đạn của nó phải bắn ra khỏi nòng từ 15-30 mét mới có thể nổ, nên trong chiến đấu tầm gần, cá nhân sử dụng M79 phải mang theo vũ khí tự vệ là súng ngắn.
Ngoài ra, khẩu súng phóng lựu nổi tiếng này là loại vũ khí bắn phát một và nạp đạn bằng tay, không sử dụng hộp tiếp đạn; điều này hạn chế tốc độ bắn và khả năng duy trì tính năng bắn liên tục trong khi chiến đấu.
M-79 được thay thế bằng súng phóng lựu M203, gắn dưới súng trường tiến công M16 tiêu chuẩn từ năm 1971. Tuy nhiên, M-79 vẫn được sử dụng trong quân đội và lực lượng cảnh sát trên khắp thế giới, và nó tiếp tục được Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ tin dùng.
Lý do M-79 được đặc nhiệm Mỹ ưa thích hơn so với súng phóng lựu M203, được tích hợp dưới khẩu súng trường tiến công M-16; đơn giản là vì M79 có nòng dài hơn, nên có tầm bắn và độ chính xác tốt hơn M203.
Đối với một số người, việc trang bị súng phóng lựu làm vũ khí riêng biệt, sẽ tốt hơn là tích hợp nó vào vũ khí chính của họ. Ví dụ súng phóng lựu M203 gắn vào khẩu M16, đã tăng thêm trọng lượng và làm cồng kềnh thêm.
Trên thực tế, việc chuyển từ sử dụng tiểu liên M16, sang súng phóng lựu M203 gắn dưới nòng, không nhanh hơn chuyển sang dùng khẩu M-79 độc lập. Tuy nhiên nếu dùng M-79 như một vũ khí độc lập, sẽ mất đi một tay súng liên thanh, do vậy Quân đội Mỹ đã quyết định bỏ khẩu M-79 trong biên chế Quân đội của họ. Nguồn ảnh: Pinterest.
Cách nạp đạn khá "cồng kềnh" và mất thời gian của súng phóng lựu M-79. Nguồn: BCCA.
Tiến Minh