Soi lại lộ trình triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Việc phải tiến hành sơ tuyển lại nhà đầu tư sẽ khiến tiến độ triển khai 8 dự án PPP thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bị chậm ít nhất 3 tháng.
Gài lại tiến độ
“Cho tới thời điểm này (7/10/2019), chúng tôi không nhận được bất kỳ khiếu nại hay thắc mắc của các nhà đầu tư quốc tế liên quan đến việc hủy kết quả sơ tuyển”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Nha Trang cho biết.
Được biết, chỉ sau khoảng 2 ngày kể từ khi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam (hôm 14/9), PMU đường Hồ Chí Minh đã gửi thông báo tới tất cả liên danh nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ dự sơ tuyển của Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Bên cạnh đó, đúng 10 ngày sau khi có quyết định hủy sơ tuyển quốc tế, PMU đường Hồ Chí Minh đã đệ trình Bộ GTVT hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư trong nước sau khi cập nhật các thông tin về thu hẹp phạm vi lựa chọn ứng thầu mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra.
Theo Bộ GTVT, do giữ nguyên hầu hết tiêu chí về năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng như các thông số chính của các dự án, nên việc cập nhật lại hồ sơ diễn ra khá thuận lợi. Hiện nay, các PMU đã nộp đủ 8 hồ sơ mời sơ tuyển cho 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam lên cấp có thẩm quyền.
“Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Dự kiến, trong tháng 10/2019 phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho nhà đầu tư trong nước và hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2/2020”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Sau khi có kết quả sơ tuyển, Bộ GTVT dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 2/2020. Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu trong tháng 4/2020. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 60 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 40 ngày, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu khoảng cuối tháng 7/2020. Trong trường hợp mọi việc diễn ra suôn sẻ, Bộ GTVT có thể hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng cuối tháng 8/2020. Như vậy, so với tiến độ đã báo cáo Quốc hội trước đây, sẽ chậm hơn khoảng 3 - 6 tháng.
Hạ chuẩn để thu hút nhà đầu tư nội
Liên quan đến các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét lại một số tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định của tiêu chí về năng lực kinh nghiệm cụ thể như thế nào vẫn đang được các bộ, ngành xem xét, nên chưa thể cung cấp thông tin”, ông Huy cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng, trong trường hợp không thể điều chỉnh yêu cầu về năng lực tài chính, Bộ GTVT cần tính toán hạ tiêu chí về năng lực thi công, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước có thể tham gia.
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước hiện nay cho rằng, nếu giữ nguyên các tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển, khả năng rất cao là khó có nhiều doanh nghiệp trong nước lọt qua vòng sơ tuyển.
Trong trường hợp các nhà đầu tư trong nước được chọn thực hiện 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nghi ngờ về khả năng các ngân hàng trong nước sẵn sàng đáp ứng hơn 50.000 tỷ đồng nhu cầu.
“Hiện nay, nhiều ngân hàng cho biết, họ đã chạm trần hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT. Bên cạnh đó, do lãi suất huy động cho vay cao, các bất cập chính sách về BOT chưa được xử lý triệt để càng khiến ngân hàng lo lắng, dẫn đến việc bảo lãnh đấu thầu, giải ngân tín dụng bị thắt chặt”, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nói.
Trên thực tế, hiện một loạt dự án BOT cao tốc khác có phương án tài chính tốt hơn 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang không thể thu xếp nổi vốn tín dụng như Hữu Nghị - Chi Lăng; Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận… Trong số này, có những công trình thậm chí đã khởi công từ 1 - 2 năm.
Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không vội mừng, ngay cả khi Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong trường hợp đấu thầu nhà đầu tư nội không thành công, khả năng cao là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải mất thêm thời gian báo cáo Quốc hội để chuyển 8 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Ở khía cạnh điều kiện đấu thầu, chuyên gia Võ Hoàng Anh (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP - TEDI) cho rằng, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP đã có quy định phần vốn chủ sở hữu, năng lực nhà đầu tư nếu áp dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam thì ở ngưỡng 11% - 12%. Chiếu theo quy định tại Nghị định đưa vào dự án này, thì phần vốn nhà đầu tư khá thấp, trong khi điều kiện dự thầu đang quy định vốn chủ sở hữu 20%. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư trong nước gặp những khó khăn nhất định.
“Trong một liên doanh, tiêu chí kinh nghiệm nên là tổ hợp kinh nghiệm của các nhà đầu tư, chứ không phải kinh nghiệm riêng rẽ của một nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc cộng tiêu chí để các nhà đầu tư trong nước có thể liên danh với nhau một cách thuận lợi, thì các quy định hiện hành lại chưa có điều khoản mở để thực hiện việc này”, ông Võ Hoàng Anh chia sẻ.
Kế hoạch và tiến độ giải ngân vốn cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Tổng nguồn vốn đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 là 55.000 tỷ đồng.
Năm 2018, đã giải ngân 142,141 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư.
Năm 2019, theo kế hoạch dự kiến, sẽ giải ngân khoảng 7.062 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 4.118 tỷ đồng (đã chuyển về kho bạc các địa phương), còn lại khoảng 2.944 tỷ đồng dự kiến thanh toán cho công tác xây lắp, tư vấn và chi phí khác. Tính đến tháng 7/2019, toàn bộ dự án thành phần đã giải ngân được 386,353 tỷ đồng, chủ yếu cho công tác tư vấn và chi phí khác.
Năm 2020, dự kiến giải ngân khoảng 10.359 tỷ đồng.
Đối với số vốn còn lại khoảng 37.436,6 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cho phép chuyển nguồn sang giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục giải ngân trong năm 2021, 2022 (trong đó năm 2021 dự kiến khoảng 24.750 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến khoảng 12.686,6 tỷ đồng).