Soi mình vào nguồn cội

Tháng Bảy, trên khắp mỗi miền quê Hà Tĩnh, dòng chảy ký ức và lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh cho đất nước dường như lắng đọng hơn ở mỗi ngôi làng, góc phố. Điều đó càng làm cho sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho người có công thêm sâu sắc, ý nghĩa.

 Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc vọng mãi lời tri ân" do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện tối ngày 23/7/2025.

Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc vọng mãi lời tri ân" do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện tối ngày 23/7/2025.

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hiều - vợ liệt sỹ Trần Trọng Vường (SN 1940, hy sinh năm 1966), ở thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc cảm thấy ấm áp hơn trong căn nhà nhỏ. Bởi, không chỉ ngôi nhà đã được tu sửa khang trang mà từng góc nhỏ, từng mảng tường, mái ngói đều để lại dấu ấn tình cảm và lòng tri ân từ những người trẻ là cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

Hơn 2 tháng trước, hàng chục ĐVTN của nhà trường đã cùng nhau dựng lại hàng rào, sửa từng viên ngói, sơn lại từng bức tường, cho ngôi nhà của bà. Với họ, đó không chỉ là hoạt động tình nguyện, mà là sự gửi gắm tình cảm biết ơn sâu sắc đến người đã ngã xuống và người ở lại. Lời động viên, sự hiện diện ân cần của thế hệ hôm nay đã giúp bà Hiều thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật, sống vui tuổi già.

 Tháng Bảy này, bà Nguyễn Thị Hiều thêm ấm áp trong căn nhà do lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Hà Tĩnh tham gia sửa chữa, làm mới.

Tháng Bảy này, bà Nguyễn Thị Hiều thêm ấm áp trong căn nhà do lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Hà Tĩnh tham gia sửa chữa, làm mới.

“Tôi cảm thấy vui và ấm áp. Ngắm căn nhà được sửa sang khang trang, tôi lại như thấy tiếng cười đùa, sự nhiệt tình của các cháu sinh viên vẫn đang ở bên mình” - bà Hiều xúc động chia sẻ.

Trong hành trình tri ân, chúng tôi theo chân đoàn công tác Tỉnh đoàn và Ủy ban MTTQ tỉnh đến thăm gia đình Anh hùng LLVT nhân dân - liệt sỹ Trần Văn Dần ở xã Xuân Phổ cũ (nay thuộc xã Đan Hải). Liệt sỹ Trần Văn Dần (SN 1948), nguyên là chiến sỹ Đại đội 5 Đặc công, Đoàn 10, Bộ Tư lệnh Đặc công, hy sinh năm 1971 tại Rừng Sác, Đông Nam Bộ trong một trận càn của địch. Hơn 1 tháng trước, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh, nắm được thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Việt Nam) và Đại học Texas (Hoa Kỳ) về việc phát hiện những tư liệu quý, đặc biệt là bản báo cáo thành tích viết tay của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Dần, một người con của quê hương Hà Tĩnh và Tỉnh đoàn đã quyết định lên kế hoạch sưu tầm, dịch thuật, phục chế ảnh… tạo một ấn phẩm để trao tặng cho thân nhân liệt sỹ.

Chị Nguyễn Ny Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh bày tỏ: “Ấn phẩm không chỉ là những thông tin mới được cập nhật đầy đủ làm rõ hơn về những cống hiến của Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sỹ Trần Văn Dần mà đó là tấm lòng, trách nhiệm thể hiện sự tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay, dành cho các bậc cha anh đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Đây cũng là nén tâm hương cho người đã khuất và lời cảm ơn sâu sắc dành cho thân nhân liệt sỹ”.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Ny Hương giới thiệu với ông Trần Thanh Tân và các đại biểu ấn phẩm di vật, tư liệu về Anh hùng LLVT Nhân dân - liệt sỹ Trần Văn Dần.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Ny Hương giới thiệu với ông Trần Thanh Tân và các đại biểu ấn phẩm di vật, tư liệu về Anh hùng LLVT Nhân dân - liệt sỹ Trần Văn Dần.

Trước tấm lòng của các ĐVTN, ông Trần Thanh Tân (anh trai liệt sỹ Trần Văn Dần) xúc động: “Sau gần 60 năm, gia đình tôi mới biết thêm những thông tin về quá trình chiến đấu và hy sinh anh dũng của em trai. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa, mang lại nguồn động viên rất lớn cho chúng tôi”.

Câu chuyện của bà Hiều, của Anh hùng LLVT nhân dân liệt sỹ Trần Văn Dần chỉ là hai trong hàng nghìn câu chuyện tri ân đang lặng lẽ diễn ra trong những ngày tháng Bảy trên quê hương Hà Tĩnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Tĩnh đã có hàng vạn người con xung phong ra trận chiến đấu bảo vệ non sông. Trong số đó, hàng chục nghìn người đã ngã xuống, người trở về với thương tật trên mình, hàng nghìn bà mẹ “khóc thầm lặng lẽ”…

Tôi còn nhớ, tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ…”.

 Các ĐVTN thắp nến tri ân tại khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày các chị hy sinh (24/7/1968 -24/7/2025).

Các ĐVTN thắp nến tri ân tại khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày các chị hy sinh (24/7/1968 -24/7/2025).

Với Hà Tĩnh, lời hứa đó đã trở thành lời thôi thúc hành động. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, thực hiện chế độ chính sách cho 303.379 đối tượng người có công, trong đó có 2.946 cán bộ lão thành cách mạng, 849 cán bộ tiền khởi nghĩa, 26.656 liệt sỹ, 1.997 Mẹ Việt Nam anh hùng, 35 Anh hùng Lao động và Anh hùng LLVT trong kháng chiến, 37.793 thương binh, 10.129 bệnh binh, 6.700 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 663 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 172.275 người được tặng thưởng huân, huy chương Kháng chiến, 43.337 gia đình có công giúp đỡ cách mạng. Hiện, toàn tỉnh có hơn 38.122 người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, với kinh phí thực hiện chi trả hàng năm gần 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 11.700 căn nhà cho các hộ người có công, hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, trong chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động cuối năm 2024, Hà Tĩnh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước. Toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa 2.281 căn nhà, trong đó có 871 căn dành cho người có công và thân nhân liệt sỹ, với mức hỗ trợ lên đến 70 triệu đồng/nhà. Chính sách ưu đãi không chỉ đến từ ngân sách Trung ương, Hà Tĩnh còn chủ động bổ sung từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sức dân, doanh nghiệp, tổ chức mở rộng độ phủ, để không một ai bị lãng quên.

 Hà Tĩnh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho người nghèo và hộ chính sách do Thủ tướng Chính phủ phát động cuối năm 2024.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho người nghèo và hộ chính sách do Thủ tướng Chính phủ phát động cuối năm 2024.

Những ngày này, các hoạt động tri ân càng trở nên thắm đượm trên từng thôn, tổ dân phố. Từ các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp đến từng cộng đồng dân cư, hoạt động tri ân diễn ra rộng khắp, ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh cho biết: “Tháng tri ân được chúng tôi triển khai rộng rãi tại các cấp hội cơ sở, bằng hàng trăm chương trình, phần việc như: vệ sinh môi trường các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng quà gia đình chính sách, người có công, nấu bữa cơm cho Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công có hoàn cảnh khó khăn… Tất cả không chỉ là sự bày tỏ tri ân người có công mà còn lan tỏa ý thức về vai trò, trách nhiệm trong mỗi hội viên phụ nữ đối với sự hy sinh của thế hệ đi trước”.

 Hội LHPN xã Phúc Trạch tổ chức bữa cơm thân mật cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mỹ, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7.

Hội LHPN xã Phúc Trạch tổ chức bữa cơm thân mật cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Mỹ, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7.

Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức nhiều chương trình tri ân ý nghĩa như: phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - Vọng mãi lời tri ân” tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; lễ thắp nến tri ân Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng; dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sỹ và địa chỉ đỏ trên toàn tỉnh… Bên cạnh đó, huy động nguồn xã hội hóa trao tặng hơn 1.300 suất quà với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình chính sách…

Tháng Bảy tri ân còn thắp lên ngọn lửa bởi những người có công trên mỗi miền quê. Với họ, khi mình còn “thắm”, còn “xanh”, mỗi việc làm còn là cống hiến, là tri ân đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Ông Nguyễn Đình Thiện - thương binh hạng 1/4, ở thôn 7 Xuân Hồng (xã Nghi Xuân), hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn bày tỏ: “Chúng tôi dù mang trong mình những mảnh đạn nhức nhối hay mất đi một phần thân thể nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Được sống trong no ấm hôm nay, tôi không bao giờ quên những người đã ngã xuống. Dù chỉ giữ sạch đường làng, làm đẹp góc thôn... cũng là bày tỏ tấm lòng tri ân bao thế hệ đã chiến đấu bảo vệ non sông này”.

 Ông Nguyễn Đình Thiện (bên phải) cùng các cựu chiến binh thôn 7 Xuân Hồng (xã Nghi Xuân) ôn lại truyền thống lịch sử ra trận.

Ông Nguyễn Đình Thiện (bên phải) cùng các cựu chiến binh thôn 7 Xuân Hồng (xã Nghi Xuân) ôn lại truyền thống lịch sử ra trận.

Tháng Bảy về, những hàng nến thắp sáng lung linh trên các nghĩa trang liệt sỹ. Ánh sáng ấy không chỉ là biểu hiện của lòng tri ân, mà còn là lời nhắc nhớ sâu sắc: chỉ khi soi mình vào cội nguồn, chúng ta mới thấu hiểu được bản thân, mới thấy rõ vì sao đất nước này đã kết nên nhiều hoa trái, vươn lên mạnh mẽ giữa bầu trời độc lập, tự do.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/soi-minh-vao-nguon-coi-post292543.html