'Soi' năng lực của Tuấn Ân Miền Bắc - nhà thầu quen mặt tại các công ty điện lực

Nếu như Tuấn Ân Hà Nội là nhà thầu 'quen mặt' tại nhiều gói thầu của các công ty điện lực trực thuộc EVNHANOI, thì Tuấn Ân Miền Bắc lại là cái tên thân quen của các đơn vị công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.

 Tập đoàn Tuấn Ân giới thiệu sản phẩm thiết bị thông minh dành cho ngành điện. Ảnh: Tuanan.com

Tập đoàn Tuấn Ân giới thiệu sản phẩm thiết bị thông minh dành cho ngành điện. Ảnh: Tuanan.com

Như VietTimes đã tải các bài viết trước đó, “hạt nhân” trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tuấn Ân là Công ty cổ phần Thiết bị điện Tuấn Ân, cùng hàng chục công ty liên quan trực tiếp đến ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân.

Trong đó, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội và Công ty TNHH Tuấn Ân miền Bắc là hai cái tên đáng chú ý nhất khi cùng đặt chung trụ sở công ty tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nếu như Tuấn Ân Hà Nội là nhà thầu “quen mặt” tại nhiều gói thầu của các công ty điện lực trực thuộc EVNHANOI, thì Tuấn Ân Miền Bắc lại là cái tên thân quen của các đơn vị công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.

Bài 1: Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu nghìn tỷ, phủ khắp hệ sinh thái điện lực Hà Nội

Bài 2: Tuấn Ân Hà Nội có gì đặc biệt mà trúng hàng chục gói thầu trong hệ sinh thái EVNHANOI?

Bài 3: Tuấn Ân miền Bắc - đối tác đấu thầu quen mặt của các công ty điện lực trực thuộc EVN

Liên tiếp trúng nhiều gói thầu

Tại Công ty Điện lực Thái Nguyên, ngày 12/4/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc Trần Hồ Nam ký quyết định lựa chọn nhà thầu tại gói thầu mua sắm tập trung vật tư các hạng mục sửa chữa thường xuyên các hạng mục: Xử lý khắc phục tồn tại các vị trí không đạt khoảng cách pha đất qua khu đông dân cư và bổ sung vật tư chuyển lưới các hạng mục lưới điện 0,4kV trong kế hoạch SCTX năm 2023.

Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – Công ty TNHH sản xuất và cáp điện Hải Long – Công ty TNHH Thành Minh MTC, trúng thầu với giá hơn 1,31 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 1,39 tỷ đồng.

Ngày 17/1/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc Trần Hồ Nam ký quyết định lựa chọn nhà thầu tại gói thầu 1: Mua sắm dây dẫn, vật tư và phụ kiện thuộc hạng mục SCL: Lưới điện trung áp khu vực Đồng Hỷ, thành phố theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu số: PL2200037894. Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – Công ty TNHH dây và cáp điện Vạn Xuân, trúng thầu với giá hơn 2,16 tỷ đồng; giá dự toán hơn 2,21 tỷ đồng.

 Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Liên danh có sự tham gia của Tuấn Ân Miền Bắc.

Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Liên danh có sự tham gia của Tuấn Ân Miền Bắc.

Trước đó, ngày 19/12/2022, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên Trần Hồ Nam ký quyết định lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu: Mua sắm dây dẫn, sứ và phụ kiện trung hạ thế, thuộc dự án: Cải tạo, nâng cấp đường dây 35kV lộ 377E6.19 (từ cột số 152 đến cột số 232) liên thông mạch vòng với 376E6.3. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – CTCP dây cáp điện Việt Nam, trúng thầu với giá hơn 2,59 tỷ đồng; giá dự toán hơn 3 tỷ đồng.

Trước đó 2 ngày, ngày 17/12/2022, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên Trần Hồ Nam ký quyết định lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu: Mua sắm dây dẫn, sứ và phụ kiện trung hạ thế, thuộc dự án: Cải tạo, nâng cấp đường dây 35kV lộ 377 E6.19 (từ cột số 72 đến cột số 152) liên thông mạch vòng với 376E6.3. Theo đó, nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – CTCP dây cáp điện Việt Nam, trúng với giá hơn 2,49 tỷ đồng; giá dự toán hơn 2,8 tỷ đồng.

 Tuấn Ân Miền Bắc có tên trong quyết duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Công ty Điện lực Lạng Sơn.

Tuấn Ân Miền Bắc có tên trong quyết duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Công ty Điện lực Lạng Sơn.

Tại Công ty Điện lực Lạng Sơn, ngày 26/10/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn, chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc Phạm Ngọc Minh, ký quyết định lựa chọn Gói thầu: Mua sắm vật tư thay công tơ khí bằng công tơ điện tử đợt 2, phát triển mới, sản xuất khác và dự phòng. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – Công ty TNHH dây và cáp điện Đại Thanh - Công ty TNHH thiết bị điện Việt Mỹ - Công ty TNHH vật liệu điện Thái Bình Dương – CTCP đầu tư EPT, trúng thầu với giá hơn 5,49 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 5,87 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/6/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh cũng ký quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu Gói thầu: Mua sắm vật tư phục vụ phát triển mới, củng cố hệ thống đo xa, phục vụ sản xuất khác và sửa chữa thường xuyên đợt 1 năm 2023. Theo đó, Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – Đại Thanh – Việt Mỹ - Thái Bình Dương – EPT – HHM, trúng thầu với giá hơn 12,87 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 13,10 tỷ đồng.

Bộ Công an đang điều tra vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

C03 đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can, trong đó có ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân.

Ngày 23/3/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh cũng ký quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu Gói thầu: Mua sắm VTTB triển khai tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – CTCP điện công nghiệp Hà Nội – Công ty TNHH dây và cáp điện Yên Viên. Giá trúng thầu hơn 3,82 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 8,35 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 23/12/2022, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh có ký quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu Gói thầu số II: Mua sắm VTTB cho các công trình xuất tuyến trung áp 35kV sau các TBA 110kV Tràng Định, thuộc dự án Các công trình Xuất tuyến trung áp 35kV sau các TBA 110kV T2 Hữu Lũng; Tràng Định năm 2022. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh: Tuấn Ân Miền Bắc – CTCP thiết bị điện Hàn Quốc, trúng thầu với giá hơn 8,55 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 8,64 tỷ đồng.

Tuấn Ân Miền Bắc kinh doanh ra sao?

Theo dữ liệu của VietTimes, giai đoạn 2021 – 2023, Công ty TNHH Tuấn Ân Miền Bắc ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng theo từng năm.

Năm 2021 công ty ghi nhận doanh thu hơn 65,5 tỷ đồng; sang năm 2022 tăng lên hơn 76,1 tỷ đồng và tăng lên hơn 96 tỷ đồng vào năm 2023.

Tỷ lệ thuận với doanh thu là lợi nhuận gộp của Tuấn Ân Miền Bắc giai đoạn 2021 – 2023 cũng tăng trưởng đều qua từng năm. Cụ thể, ghi nhận lần lượt là: hơn 3,2 tỷ đồng (năm 2021); hơn 3,8 tỷ đồng (năm 2022) và hơn 5,7 tỷ đồng (năm 2023).

Việc trúng nhiều gói thầu với giá trị lớn đóng góp chủ đạo vào doanh thu của công ty, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại chưa thực sự tương ứng. Cụ thể, năm 2021 Tuấn Ân Miền Bắc báo lãi hơn 576,9 triệu đồng; năm 2022 báo lãi hơn 607,1 tỷ đồng và năm 2023 lãi sau thuế hơn 920,5 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, tổng cộng tài sản của Tuấn Ân Miền Bắc có nhiều biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2021 công ty có tổng tài sản hơn 25 tỷ đồng; sang năm 2022 tăng lên 42,7 tỷ đồng ( tương đương mức tăng hơn 41% so với năm trước đó).

Bước sang năm 2023, tổng cộng tài sản của công ty tiếp tục tăng lên hơn 50,5 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm trước đó. Như vậy, sau 3 năm tổng cộng tài sản của Tuấn Ân Miền Bắc tăng gấp 2 lần.

 Tuấn Ân Hà Nội và Tuấn Ân Miền Bắc có chung trụ sở ở Thanh Trì, Hà Nội.

Tuấn Ân Hà Nội và Tuấn Ân Miền Bắc có chung trụ sở ở Thanh Trì, Hà Nội.

Hàng tồn kho của công ty giai đoạn 2021 – 2023 có nhiều sự xáo trộn. Cụ thể, năm 2021 ghi nhận hơn 12,8 tỷ đồng; năm 2022 tăng lên hơn 28,3 tỷ đồng và năm 2023 sụt giảm về mức hơn 19,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, Tuấn Ân Miền Bắc có hơn 78 triệu đồng tiền mặt và gần 7,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Giai đoạn 2021 – 2023, nợ phải trả của Tuấn Ân Miền Bắc ghi nhận lần lượt là: hơn 19,6 tỷ đồng (năm 2021); hơn 26,7 tỷ đồng (năm 2022) và hơn 33,6 tỷ đồng (năm 2023).

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty giai đoạn 2021 – 2023 tương ứng lần lượt là: hơn 5,5 tỷ đồng (năm 2021); hơn 16 tỷ đồng (năm 2022) và hơn 16,9 tỷ đồng (năm 2023).

Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tuấn Ân Miền Bắc tương ứng lần lượt là: 3,5 lần; 1,6 lần và gần 2 lần.

Việc nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và kéo dài trong nhiều năm cho thấy nguồn vốn của Tuấn Ân Miền Bắc được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động.

Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ tỷ lệ nợ (và một số chỉ số tài chính khác) để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không.

Tùng Dương

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/soi-nang-luc-cua-tuan-an-mien-bac-nha-thau-quen-mat-tai-cac-cong-ty-dien-luc-post177106.html