Sôi nổi, độc đáo ngày hội văn hóa đa sắc màu và giàu cảm xúc của các dân tộc Việt Nam
Từ ngày 13-16/12/2024, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnhQ ủang Trị năm 2024 diễn ra tại TP. Đông Hà. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên (VĐV) quần chúng các dân tộc được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, lan tỏa niềm tự hào, ý thứctr ách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập.
Quy tụ diễn viên, nghệ nhân nhiều thế hệ
Điểm nhấn của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 là chương trình khai mạc diễn ra vào tối 14/12. Tất cả 16 đoàn đến từ 16 tỉnh, thành phố đã trình diễn, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương qua những tiết mục nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của dân tộc mình. Điều đặc biệt là về với Quảng Trị trong ngày hội này, nhiều thế hệ diễn viên, nghệ nhân từ lứa tuổi nhỏ đến cao tuổi đều bày tỏ sự hào hứng, cháy hết mình tạo nên bầu không khí sôi động, đa sắc màu.
Em Siu Trong, 8 tuổi, đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ nhỏ, em đã được ông bà, cha mẹ dạy cho cách chơi trống, đánh cồng chiêng và hát, nhảy các làn điệu dân ca truyền thống. Em rất vui khi được tham gia ngày hội tại Quảng Trị, được cùng các bác, cô chú, anh chị biểu diễn hòa tấu nhạc cụ trong tiết mục “Gia Lai vào hội”.
Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên; là nơi đọng lại dấu ấn của Biển Hồ huyền thoại và núi lửa Chư Đăng Ya; những nghệ thuật kiến trúc nhà rông, nhà sàn và các lễ hội truyền thống lâu đời. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vẫn luôn tỏa sáng. Tham gia ngày hội lần này, 32 thành viên đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc Gia Rai đều mong muốn lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè cả nước.
Đạo diễn Nguyễn Cường, phụ trách Chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật quần chúng Cơ Tu (TP. Đà Nẵng) cho hay, đoàn nghệ thuật có 30 thành viên với nhiều lứa tuổi khác nhau. Dân tộc Cơ Tu là một trong những dân tộc giàu truyền thống và bản sắc. Với một cộng đồng nhỏ nhưng đoàn kết và kiên cường, người Cơ Tu không chỉ giữ gìn các giá trị lâu đời mà còn thích nghi linh hoạt với cuộc sống hiện đại, tạo nên nét chấm phá riêng biệt giữa lòng thành phố biển Đà Nẵng. Chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật quần chúng Cơ Tu Đà Nẵng với chủ đề: “Sắc màu của núi”, gồm trình diễn trang phục truyền thống; đơn ca “Giao duyên”; hòa tấu nhạc cụ dân tộc; tốp ca “Mừng Gươl mới”; Trích đoạn múa dân gian “Tung tung - Da dá (Vũ điệu dâng trời)”.
Nghệ nhân Phan Trí, 65 tuổi, vui vẻ nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Quảng Trị để tham gia ngày hội lớn và ý nghĩa như thế này. Tôi và các thành viên trong đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Mỗi thanh âm, mỗi bước nhảy của chúng tôi đều kể lại một câu chuyện, giúp cho mọi người phần nào biết đến đồng bào dân tộc Cơ Tu- một dân tộc mạnh mẽ, yêu đời”.
Xuyên suốt 4 ngày diễn ra ngày hội, các đoàn nghệ nhân đã lần lượt tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc với nhiều tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu cùng phong cách trình diễn thăng hoa, giàu cảm xúc. Sự tham gia của nhiều diễn viên, nghệ nhân thuộc mọi lứa tuổi đã một lần nữa khẳng định rằng những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thếhệđang được nối tiếp, vun đắp, ngày càng sâu sắc, phong phú hơn. Đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đại đoàn kết, ý chí bất khuất, khát vọng vươn lên của các dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để đồng bào các dân tộc cùng với cả nước nỗ lực hơn nữa trong kỷ nguyên mới.
Nội dung đặc sắc, hình thức phong phú
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình” và sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, VĐV đồng bào các dân tộc, ngày hội diễn ra nhiều hoạt động với hình thức phong phú như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Hoạt động quảng bá du lịch và nhiều hoạt động hấp dẫn khác góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam tới Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Đoàn nghệ thuật quần chúng chủ nhà Quảng Trị cũng đã góp thêm màu sắc riêng, làm cho bức tranh ngày hội thêm rực rỡ đa sắc màu. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn cho biết, trong quá trình phát triển, đồng bào các dân tộc ở Quảng Trị đã hình thành nên những bản sắc văn hóa riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị luôn chú trọng việc truyền dạy, chế tác và sử dụng nhạc cụ trong lao động, với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như: calơi, chachấp, oát, xà nớt, có Lễ hội Ariêuping, Lễ Mừng lúa mới...
Những bản sắc văn hóa riêng đã trở thành nếp sống chuẩn mực, giá trị tốt đẹp được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây cũng là cơ hội để tỉnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của mảnh đất và con người Quảng Trị với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Sáng 14/12, Ban tổ chức ngày hội khai mạc không gian trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển đất nước”; triễn lãm với gần 200 bức ảnh giới thiệu về văn hóa truyền thống dân tộc, nghi thức tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống; những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào và đặc biệt là một số hình ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, chương trình văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức. Tại đây, mỗi đoàn biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm bản sắc riêng với nhiều nhạc cụ độc đáo, lạ mắt như cồng chiêng, đàn goong, trống hội, khèn bè, tù và...
Trước đó, tại Quảng trường B của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, người dân và du khách được tận mắt xem các màn trình diễn tái hiện những nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Lễ cúng Ariêu A Za của người Pa Kô, Lễ cúng lên nhà rông mới của người Gia Rai... Trong phần trình diễn trang phục truyền thống, các đoàn đã lựa chọn giới thiệu và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc như trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới với nhiều vẻ đẹp sắc màu, chất liệu riêng biệt mang dáng dấp của núi rừng, thiên nhiên...
Trong khuôn khổ ngày hội, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị cũng đã diễn ra các hoạt động thi đấu thể thao ở các môn: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, bắn ná với sự tham gia của hơn 260 VĐV đến từ 11 tỉnh, thành phố.
Với sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, các VĐV đã tự tin bước vào tranh tài quyết tâm giành chiến thắng. VĐV H Duel Niê KDăm (Đắk Lắk) nói: “Tôi đã thi đấu hết sức, vượt qua nhiều đối thủ mạnh, giành được Huy chương Vàng môn đẩy gậy, hạng cân trên 75 kg nữ. Đến Quảng Trị lần này là một kỷ niệm đẹp trong tôi khi vừa thi đấu thành công vừa được hòa mình vào không gian ngày hội văn hóa của các dân tộc”.