Sôi nổi hội thi tiểu phẩm trong đồng bào dân tộc thiểu số về an toàn giao thông
Chiều 25-10, Vòng chung kết Hội thi sáng tác và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 đã diễn ra sôi nổi tại rạp Vườn Lài, TTVH quận 10, TP HCM.
9 tiểu phẩm ngắn vui nhộn, hấp dẫn đã thu hút sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Phần thi tiểu phẩm, các đội đã đem đến cho khán giả những tình huống, câu chuyện gắn liền với thực tế hàng ngày của người dân tộc thiểu số. Sự sinh động, gần gũi đó tạo thành sợi dây kết nối để khán giả đến gần hơn với thông điệp mà 9 đội thi muốn chuyển tải.
Đó là câu chuyện về những gia đình nghèo nhưng nuông chiều con, mua sắm xe máy đắt tiền cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện dẫn đến tai nạn giao thông; là những trường hợp nhậu say, vi phạm Luật Giao thông Đường bộ nhưng vẫn cố tình chống đối người thi hành công vụ hay những gia đình rơi vào thảm kịch chỉ vì tai nạn giao thông; hoặc chỉ vì cách nghĩ, cách làm đơn giản của người dân tộc thiểu số mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do bày bán lấn chiếm vỉa hè, gây ách tắc giao thông …
Mỗi câu chuyện như một lời cảnh tỉnh về nỗi đau tai nạn giao thông để lại đối với từng gia đình và toàn xã hội, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn giao thông của mỗi người dân trong đó có dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn TP HCM.
Gây ấn tượng mạnh nhất đối với khán giả là tiểu phẩm "Sự tình cờ đáng yêu" (quận 4), "Chuyện của anh Toàn" (quận 11), "Đậu đen lên thành phố" (quận Gò Vấp), "Cãi vợ" (huyện Hóc Môn), "Tôi xin chừa" (huyện Củ Chi)…
NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc, thành viên ban giám khảo hội thi, chia sẻ: "Các đội đến từ các trung tâm văn hóa quận, huyện đã xây dựng kịch bản dựa trên chất liệu là những câu chuyện phổ biến xảy ra ở địa phương. Từ việc phản ánh thực tế và quan sát cuộc sống, sinh hoạt của dân cư là người dân tộc thiểu số, người xem sẽ cảm nhận được câu chuyện và từ đó rút ra bài học cho chính mình, nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông. Nhiều tiểu phẩm được dàn dựng dung dị, sâu sắc, cho thấy diễn viên quần chúng đã đủ sức chuyển đến khán giả những thông điệp rất ý nghĩa".
Bà Thạch Thị Hồng – người dân ở quận 10, chia sẻ: "Tai nạn giao thông không chỉ để lại nỗi đau cho nạn nhân, người thân mà còn là gánh nặng cho xã hội. Với người dân tộc thiểu số, qua các tiểu phẩm, chúng tôi muốn nhắn nhủ tới mọi người hãy biết trân quý sự an toàn của chính mình trên mỗi cung đường, bởi đằng sau tay lái là sinh mệnh con người, hãy cùng nhau giữ cuộc sống bình an, hạnh phúc".
Hội thi do Ban Dân tộc, Ban ATGT phối hợp Trung tâm văn hóa TP HCM tổ chức. Năm nay, hội thi nhằm đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thực hiện Chương trình thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ; Chiến lược quốc gia đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Nghị định 88/NQ-CP ngày 24-8-2012 Chính phủ về "Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, ATGT"….Qua đó, tăng cường tổ chức các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TP HCM, khơi nguồn cảm hứng, phát huy khả năng sáng tạo của đông đảo lực lượng sáng tác kịch bản sân khấu, phục vụ đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn TP HCM.
Hội thi không chỉ là dịp để các đội kịch của các TTVH tìm hiểu kiến thức pháp luật về ATGT, trao đổi học tập kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mà còn truyền tải đến người dân, nhất là dân tộc thiểu số tham gia giao thông những thông điệp ý nghĩa về ATGT, văn hóa giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức của cán bộ và nhân dân, ý thức tự giác chấp hành đúng pháp luật về ATGTg, góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM.
Hội thi đã biểu dương sự cố gắng, sự nhiệt tình và nổ lực rất lớn của 9 đội thi đại diện các TTVH quận, huyện trong địa bàn TP với tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt các phần thi theo quy định. Khán giả đã được cười vui, suy gẫm với những mẫu chuyện được kể rất sinh động, hồn nhiên do các diễn viên của các đội mang đến.
Kết quả: Giải nhất thuộc về TTVH quận 11 với tiểu phẩm "Chuyện của anh Toàn"; 3 giải nhì, gồm: TTVH quận Thủ Đức ("Yêu không dám nói"), TTVH quận 10 ("Vì sự an toàn của chúng ta"), TTVH quận 4 ("Sự tình cờ đáng yêu"). Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải ba cho 5 tiểu phẩm của TTVH các quận, huyện: Hóc Môn, Gò Vấp, quận 11, Củ Chi (2 đội).