Sôi nổi khí thế cách mạng 4.0

BHG - Thực hiện Nghị quyết 52, ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); tỉnh ta đã xác định nội dung cốt lõi của chính sách là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bởi đây chính là đòn bẩy tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, phát triển nhanh và bền vững KT-XH.

Chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, tỉnh ta đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số (CĐS); thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành CĐS từ tỉnh đến xã; thành lập 2.071/2.071 tổ công nghệ số cộng đồng với 12.131 thành viên tham gia để thống nhất nhận thức và hành động, ưu tiên nguồn lực triển khai CĐS, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS. Đặc biệt, UBND tỉnh còn ký kết chương trình hợp tác với các Tập đoàn công nghệ và viễn thông như FPT, VNPT, Viettel để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phủ sóng di động vùng sâu, xa và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số. Không những vậy, thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tỉnh ta đã triển khai Đề tài: “Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông tin thông minh tỉnh Hà Giang”, phục vụ đắc lực công tác quản lý, điều hành, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Còn Đề tài: “Phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh” trở thành căn cứ quan trọng phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự và triển khai dự án hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

Nhiều cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) ứng dụng mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhiều cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) ứng dụng mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt.

Với nhiều quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dần khẳng định vai trò trụ cột trong CĐS, tạo khí thế cách mạng 4.0 sôi nổi. Nhiều hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được duy trì, vận hành hiệu quả như: Hệ thống thư điện tử công vụ với 17.623 tài khoản thư công vụ; cấp 23.716 chứng thư số cho cán bộ, công chức các cấp; duy trì hiệu quả hoạt động của 241 điểm cầu trực tuyến, trung bình mỗi năm có trên 200 cuộc họp trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn đưa vào sử dụng một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Quản lý lao động, việc làm (cập nhật dữ liệu của 296.681 người lao động); quản lý hộ chính sách và hộ nghèo (triển khai số hóa, cập nhật 24.108 hồ sơ); phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư đã cập nhật, theo dõi tiến độ triển khai 100 dự án...

Thông qua việc tập trung phát triển hạ tầng số, đến nay, toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS). Trong đó, Tập đoàn Viettel đã triển khai phát sóng thử nghiệm 5G phục vụ người dân, du khách trải nghiệm miễn phí tại 3 địa điểm: Quảng trường 26.3; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và tòa nhà Viettel Hà Giang. Đồng thời, mở rộng phủ sóng di động tại 17/53 thôn trắng sóng, nâng tỷ lệ thôn được phủ sóng di động lên 98,16%. Từ chiến lược phát triển kinh tế số, trên địa bàn tỉnh có gần 118.000 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Voso, Postmart... Chỉ riêng 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 2.700 giao dịch trên sàn TMĐT với giá trị giao dịch khoảng 3 tỷ đồng. Mặt khác, tỉnh ta còn hỗ trợ in gần 4,4 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng nhất về mẫu cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia tiêu thụ sản phẩm tại các chuỗi siêu thị, điểm bán hàng trên cả nước theo phương thức: Nhà nước hỗ trợ 60%, doanh nghiệp, HTX đối ứng 40%. Đồng thời, tạo mã QR Code cho 160 doanh nghiệp, HTX giúp thuận lợi truy xuất thông tin đối với 609 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay trong CĐS. Điển hình như UBND huyện Mèo Vạc khai trương chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt đối với 470 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ; trong đó, 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống, các tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ trung tâm huyện tham gia thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn điện tử. UBND huyện Xín Mần thành lập các tổ kỹ thuật hỗ trợ dịch vụ công và ký số; thực hiện ký cam kết về CĐS giữa các phòng, đơn vị với lãnh đạo huyện. Riêng UBND thành phố Hà Giang triển khai mã QR khám phá thành phố thông qua trang thông tin điện tử hagiang360.vn...

Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, tỉnh ta tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng 4.0 mang lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi cho người dân...

Bài, ảnh: Thu Phương

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202312/soi-noi-khi-the-cach-mang-40-0f50e0b/